Dự kiến công bố vacxin Dịch tả lợn Châu Phi trong tháng 4. Củng cố năng lực hệ thống thú y theo chỉ đạo của Chính phủ. Phú Yên đặt mục tiêu thu nhập nông dân đạt 80 triệu vnđ/năm. Kim ngạch nông sản xuất khẩu quý 1/2022 sang Australia tăng 24%.
CỦNG CỐ NĂNG LỰC HỆ THỐNG THÚ Y THEO CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại Hội nghị kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán thuốc thú y do Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh BR-VT tổ chức ngày 16/4, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cả nước mới có 434 cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung, còn 24.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, 16.000 mã hàng, bao gồm cả vác xin và thuốc chế phẩm cần phải quản lý. Đây là hai lĩnh vực đặc biệt quan trọng với sức khỏe con người, an toàn dịch bệnh. Do vậy, công tác thú y cũng có nhiều vấn đề cần được đánh giá rõ thực trạng để có giải pháp quản lý hiệu quả, phù hợp hơn, nhất là trong bối cảnh hệ thống thú y có nhiều thay đổi, tình trạng thuốc thú y bán khắp nơi, nhiều sản phẩm chưa kiểm nghiệm, khảo nghiệm, nhập lậu; giết mổ nhỏ lẻ mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở nhiều nơi. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, muốn quản lý được trước hết phải có bộ máy, con người, trang thiết bị. Con người phải gắn với cơ chế mà hiện nay việc sáp nhập thú y cơ sở là một khó khăn, tạo ra khoảng trống rất lớn với hệ thống ngành thú y trong việc kiểm soát dịch bệnh trên động vật. Các địa phương cần phải tập trung thực hiện việc củng cố nâng cao năng lực hệ thống thú ý cơ sở theo chỉ đạo của Chính phủ
DỰ KIẾN CÔNG BỐ VACXIN DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRONG THÁNG 4
Sáng nay (17/4), tại Hưng Yên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác nghiên cứu, khảo nghiệm tại Công ty TNHH MTV Avac Việt Nam để có thể đưa vacxin tả lợn Châu Phi ra thị trường. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, từ tháng 2/2019, dịch bệnh tả lợn châu phi đã buộc ngành chăn nuôi cả nước phải tiêu huỷ khoảng 6 triệu con lợn, gây thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng. Do đó, Thứ trưởng đánh giá cao các doanh nghiệp tích cực nghiên cứu, tập trung toàn lực trong việc sản xuất vacxin dịch tả lợn châu phi. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa về tiêu chí môi trường trong chăn nuôi, đảm bảo chặt chẽ quy trình sản xuất và tiếp tục tập trung nghiên cứu các chỉ tiêu sinh lý, sinh hoá trên lợn được tiêm vacxin. Hiện, Công ty TNHH MTV Avac Việt Nam, Công ty CP thuốc thú y Trung ương Navetco và Công ty cổ phần tập đoàn Dabaco là 3 đơn vị đã phối hợp với Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ tổ chức thành công việc tiếp nhận con giống, công nghệ và phối hợp nghiên cứu, sản xuất, đăng ký lưu hành vacxin dịch tả lợn châu phi từ năm 2019. Dự kiến trong tháng 4, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét việc công bố và cho phép lưu hành vacxin dịch tả lợn châu Phi.
PHÚ YÊN ĐẶT MỤC TIÊU THU NHẬP NÔNG DÂN ĐẠT 80 TRIỆU VNĐ/NĂM
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030 như: tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 3,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt bình quân 3,0%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông đạt trên 6%/năm; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 6 - 7%/năm. Đến 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/năm, cao hơn 1,6 lần so với năm 2020; đến năm 2030 đạt 80 triệu đồng/năm, cao hơn 2,5 lần so với năm 2020. Duy trì mức giảm số hộ nghèo 1,5 - 2% so với năm trước. Đến 2030, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia. Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu Phú Yên trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, gắn sản xuất với chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
KIM NGẠCH NÔNG SẢN XUẤT KHẨU QUÝ I/2022 SANG AUSTRALIA TĂNG 24%
Dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia trong ba tháng đầu năm 2022 đạt 1,38 tỷ USD. Trong đó, nông sản tiếp tục là mặt hàng có mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, mặt hàng cà phê chứng kiến mức tăng lên đến 84% so với cùng kỳ, thủy sản tăng 51%. Mặt hàng gạo sau các đợt xúc tiến mạnh mẽ trong năm 2021, như các sự kiện quảng bá, mời dùng thử gạo Việt Nam tại một số bang lớn của Australia, đã tiếp tục tăng trưởng, trong bối cảnh xứ Chuột túi giảm nhập khẩu gạo từ thế giới. Ở chiều ngược lại, thị trường lớn nhất châu Đại dương đang trở thành chỗ dựa vững chắc cho nền sản xuất của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, với tư cách là thị trường cung cấp các mặt hàng nguyên liệu đầu vào thiết yếu, như lúa mỳ, thức ăn gia súc...