Đưa văn hoá, du lịch và sản phẩm OCOP Ninh Thuận tới người dân Thủ đô. Phân bón dự báo tăng giá mạnh trở lại dịp cuối năm. TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi mục đích sử dụng hàng nghìn ha đất trồng lúa. Gai xanh AP1 giúp đồng bào biên giới thoát nghèo.
KẾT NỐI VĂN HÓA, DU LỊCH NINH THUẬN VỚI NGƯỜI DÂN THỦ ĐÔ
Từ tối 30/9 đến 2/10, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” trên tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.Trong khuôn khổ sự kiện, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc đã diễn ra như: Biểu diễn nghệ thuật; giới thiệu nhạc cụ, hướng dẫn múa truyền thống, hướng dẫn nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp; trưng bày ảnh đẹp về du lịch, văn hóa, danh lam thắng cảnh của Ninh Thuận...Đặc biệt, có 51 gian hàng trưng bày, giới thiệu về sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch, ẩm thực của tỉnh Ninh Thuận.“Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận tại Hà Nội” là sự kiện văn hóa nghệ thuật và du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá và tôn vinh văn hóa, du lịch Ninh Thuận đến với người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, sự kiện là cơ hội kết nối các doanh nghiệp của Ninh Thuận với các đơn vị lữ hành, kinh doanh du lịch tại Hà Nội và cả nước sản phẩm OCOP sản phẩm OCOP.
GIÁ PHÂN BÓN DỰ BÁO TĂNG MẠNH VÀO CUỐI NĂM
Hiệp hội Phân bón Việt Nam thông tin, hiện nay cả nước cần khoảng 11 triệu tấn phân bón/năm, bao gồm cả phân vô cơ và hữu cơ. Trong khi đó, năng lực sản xuất của Việt Nam chỉ đạt khoảng 7 triệu tấn, số còn lại phải nhập khẩu.Thời điểm này, giá các loại phân bón bắt đầu tăng sau thời gian giảm, dự đoán tăng mạnh trong quý IV-2022 và đầu năm 2023 do thiếu hụt nguồn cung.Hiện giá đạm u-rê Cà Mau, Phú Mỹ, Hà Bắc và một số loại u-rê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia đang có giá 780.000-840.000 đồng/bao 50kg; nhiều loại DAP nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc có giá 1,35-1,45 triệu đồng/bao...Để ổn định thị trường, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần tiếp tục duy trì tối đa công suất, hạn chế xuất khẩu và ưu tiên thị trường trong nước. Đồng thời, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường, hài hòa lợi ích và minh bạch giá cả.
TP. HỒ CHÍ MINH CHUYỂN ĐỔI MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG HÀNG NGHÌN HA ĐẤT TRỒNG LÚA
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn.Theo đó, Sở Tài nguyên Môi trường đã đề xuất cho 18 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha với tổng diện tích 31,74 ha và 3 dự án có chuyển mục đích đất trồng lúa trên 10ha với tổng diện tích 170,11 ha. Trong đó, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự bất động sản khoảng gần 30ha.Ngoài ra, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình cá nhân trên địa bàn cũng lên tới gần 1.068ha.Đến năm 2020, tổng diện tích đất nông nghiệp của TP. HCM là 111.875ha, trong giai đoạn 2015-2020 diện tích đất nông nghiệp giảm 3.623ha, trung bình giảm 725ha/năm.Việc giảm diện tích đất nông nghiệp nhằm phục vụ quá trình đô thị hóa, chủ yếu được chuyển sang đất phi nông nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng và chuyển thành đất ở.
GAI XANH AP1 GIÚP BÀ CON BIÊN GIỚI THOÁT NGHÈO
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều giống cây trồng mới đã được đưa vào thử nghiệm tại đồng đất vùng cao của tỉnh Cao Bằng. Trong số này, gai xanh AP1 là cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giảm nghèo cho bà con.Theo người dân địa phương, do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; được HTX cam kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc... nên cây gai xanh phát triển tốt, giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với cây ngô, sắn.Không chỉ mang lại lợi nhuận về kinh tế, gai xanh còn có tác dụng phục hồi đất rất tốt, sau khi thu hoạch vỏ, có thể tận dụng các phần còn lại làm phân hữu cơ, thức ăn chăn nuôi...Do đó, gai xanh AP1 hứa hẹn sẽ là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao giúp bà con miền biên giới Cao Bằng thoát nghèo bền vững