| Hotline: 0983.970.780

Bảo tồn sinh thái Vườn quốc gia nổi tiếng Việt Nam

‘Tắm’ rừng Cát Tiên

Thứ Hai 07/08/2023 , 09:00 (GMT+7)

Một lớp hơi sương phủ nhẹ trên tóc và quần áo khẽ rơi khi chúng tôi vẫy tay chào rừng xanh, làm ai nấy cứ ngỡ là vừa bơi qua sông Đồng Nai.

Du khách chụp ảnh bên cạnh cây tung khổng lồ tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Bảo Thắng.

Du khách chụp ảnh bên cạnh cây tung khổng lồ tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Bảo Thắng.

Xuyên rừng mùa mưa

Bài liên quan

Tháng Bảy, giữa mùa mưa khu vực Nam bộ, chúng tôi thử “tắm rừng” tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Sẽ là thích hợp hơn nếu chọn mùa khô để trải nghiệm nhưng như lời "quảng cáo" của Giám đốc Vườn Phạm Xuân Thịnh, mỗi không gian sẽ mang đến một kỷ niệm khác. Nên không ai bảo ai, tất cả cùng phấn chấn lên đường.

Đúng như lời ông Thịnh, Cát Tiên mùa mưa đẹp hoang hoải. Rừng lá rộng thường xanh phân tầng, có chỗ các cây họ dầu, gõ đỏ, giáng hương cao tới hàng chục mét như xuyên qua mây, chọc thẳng lên bầu trời. Trên đó, thỉnh thoảng lũ voọc nghịch ngợm khẽ chuyền cành, hướng mắt xuống nền rừng ngó từng đoàn khách du lịch thong thả đạp xe khám phá Bàu Sấu, Bàu Chim. Có những đoạn, từng khóm tre, trúc đổ rạp sang một bên, đan vào nhau thành một chiếc ô lớn, như thể đủ để vượt qua những cơn mưa rừng thường ào ào như thác đổ.

Từ trung tâm hành chính, dịch vụ của Vườn quốc gia Cát Tiên đến Bàu Sấu - điểm tham quan chính - dài khoảng 14km, trong đó 9km đầu có thể di chuyển bằng phương tiện. 5km cuối là đi bộ xuyên rừng trên con đường mòn độc đạo. Nền rừng từ sáng chuyển dần sang thẫm màu, có nơi đen kịt vì rừng tự nhiên phủ kín trên tầng cao.

Sự thích thú ban đầu dần nhường cho nỗi sợ vì trong khoảng 1 tiếng đi bộ này, mọi kết nối với thế giới bên ngoài đều bị ngắt. Không sóng điện thoại, không hàng quán, dịch vụ. Tiếng cười nói rôm rả khi mới bước vào con đường mòn cũng chẳng còn. Phía trước, phía sau hầu như chỉ nghe thấy tiếng bước chân xào xạc trên lá cây. Điểm xuyết là tiếng vượn hú và chim hót trên một bụi cây mơ hồ nào đấy.

Hít một hơi thật sâu trấn an, tôi nhìn sang thanh niên đi gần. Mồ hôi rịn trán nhưng không chảy tòng tòng xuống mặt mà tạo thành một làn sương mỏng vây quanh tóc. Mắt kính của anh ta cũng như mờ đi vì hơi ẩm. Đặc biệt, dưới áo như có một làn tuyết bao lấy từng chuyển động của cơ thể.

Bắt đầu là một rồi cả đoàn phá lên cười vì phát hiện ấy. Tiếng cười càng cao vút khi bản thân mỗi người cũng tự thấy, mình vừa được thiên nhiên tặng thêm một lớp áo mới. Cảm giác tận hưởng thiên nhiên từ đâu ùa về. Sự bứt rứt vì độ ẩm cao trong rừng khiến mồ hôi không bay hơi được tan biến, nhường chỗ cho cảm giác khoan khoái và không khí mát lành đang căng đầy hai buồng phổi.

Cây bằng lăng lục bình, với phần thân phình to như một cây bèo lục bình khổng lồ, nằm trên đường từ trung tâm của Vườn quốc gia Cát Tiên đi vào khu vực Bàu Sấu. Ảnh: Tùng Đinh.

Cây bằng lăng lục bình, với phần thân phình to như một cây bèo lục bình khổng lồ, nằm trên đường từ trung tâm của Vườn quốc gia Cát Tiên đi vào khu vực Bàu Sấu. Ảnh: Tùng Đinh.

Khái niệm “tắm rừng” vốn bắt nguồn từ Nhật Bản nay đã không còn xa lạ với đại bộ phận người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Tắm rừng có nghĩa là đắm mình trong bầu không khí của rừng, và được nhiều nhà khoa học xem là một liệu pháp chữa lành tự nhiên, giúp con người cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, giảm thiểu và phòng ngừa chứng trầm cảm, mất tập trung, đau nhức.

Nếu không có điều kiện thực hiện một số liệu pháp thường gặp như đi bộ, đạp xe trong rừng giúp giảm huyết áp và hormone cortisol (căng thẳng), người dân chỉ cần đơn giản là vào trong rừng, quên đi chiếc điện thoại. Sau đó, hít một hơi thật sâu để tận hưởng bầu không khí thoáng đãng và đắm mình vào khung cảnh của đất trời, chạm vào những mảng rêu mềm xanh lá trải thảm trên viên đá hoặc vỏ cây xù xì.

Cuộc sống xô bồ chốn thị thành có lẽ đã dừng cả lại bên kia bờ sông Đồng Nai. Bước vào Vườn quốc gia Cát Tiên, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim líu lo và khoảng không tĩnh lặng rộng lớn của hơn 1.600 loài thực vật đủ sức kéo tâm hồn về một cõi khác, trên cung đường đi bộ xuyên rừng đất đá gồ ghề phủ đầy lá. Trong chặng đường trekking ấy còn cất giấu nhiều báu vật như cây tung khổng lồ hơn 300 năm tuổi với bộ rễ đồ sộ cao quá đầu người, được mệnh danh là "thằn lằn sấm" của rừng Cát Tiên; hay cây gõ bác Đồng hơn 700 năm tuổi...

Bình minh trên Bàu Sấu

Khoảng gần trưa, chúng tôi đến Bàu Sấu. Hiện ra phía trước là ngút tầm mắt đầm nước rộng tới hơn 2.000ha, được bao quanh bởi thảm thực vật xanh ngắt. Yên ắng đến kỳ lạ. Nhắm mắt lại hầu như chỉ thấy có tiếng gió khẽ lùa qua kẽ lá.

Bầu không khí tĩnh mịch bị ngắt quãng bởi tiếng khuấy nước từ phía vạt cỏ cao nhấp nhô đằng xa. Những chú cá sấu nước ngọt, thân hình dài khoảng 2m đang từ từ ngoi đầu lên như tận hưởng bầu không khí trong lành, quang đãng. Ở một góc khác, đám lục bình khoe sắc tím ngay cạnh đám sếu, bồ nông đang tìm cá cho bữa ăn.

Khung cảnh Bàu Sấu gần như tương phản với trải nghiệm trước đó trong Vườn quốc gia Cát Tiên. Thay vì những tán cây rừng cao lớn, những cụm dây leo chằng chịt, chúng tôi phóng vút tầm mắt ra khung cảnh bao la, hùng vĩ của khu vực ramsar (đất ngập nước) thứ hai tại Việt Nam.

Do chưa có đường điện kéo vào nên toàn bộ điện sinh hoạt ít ỏi tại Bàu Sấu đều đến từ nguồn cung duy nhất là pin mặt trời. Năng lượng ít ỏi chỉ đủ để chiếu sáng, duy trì điện cho một tủ lạnh và sạc pin cho các thiết bị điện nhỏ như điện thoại. Nếu có công việc cấp bách cần liên hệ, Trạm Kiểm lâm Bàu Sấu có sẵn một điểm thường được gọi đùa là “cửa sổ tình yêu”. Nơi đây có một chiếc điện thoại “cục gạch” đời cũ, lên được 2 vạch sóng, vừa đủ để trao đổi với bên ngoài. Đấy đúng nghĩa là điểm duy nhất trong Bàu Sấu "vợt" được sóng điện thoại.

Bàu Sấu đẹp nhất vào lúc hoàng hôn. Ảnh: Tùng Đinh.

Bàu Sấu đẹp nhất vào lúc hoàng hôn. Ảnh: Tùng Đinh.

Linh, cán bộ tại Trạm Kiểm lâm Bàu Sấu vừa chuẩn bị những món ăn bình dị như thịt ba chỉ nướng, trứng kho, cá chiên, đậu hũ sốt, vừa trò chuyện với du khách về công cuộc bám rừng, giữ rừng. Trên tấm chiếu nhỏ, bên trong chòi kiểm lâm, tiếng cười nói râm ran không dứt.

“Vì cá sấu được bảo vệ và sinh trưởng quá tốt nên chúng ăn hết cá trong bàu. Chúng tôi chẳng mấy khi có cá để ăn”, cán bộ kiểm lâm dí dỏm nói.

Vào ban đêm, khi lia ánh đèn pin về phía hồ, bạn có thể nhìn thấy những cặp mắt cá sấu đỏ au ánh lên dưới ánh đèn. Chúng nhiều đến nỗi được ví như những ngôi sao trên mặt hồ, và cũng là lý do khiến chẳng mấy ai trong đoàn dám bén mảng tới khu vực bàu.

Cá sấu trong Bàu Sấu.

Cá sấu trong Bàu Sấu.

Không có điện và thảng hoặc vẫn bị tiếng vo ve của côn trùng làm phiền nhưng đêm ở Bàu Sấu trôi qua một cách yên ả. Sau một giấc ngủ dài, chúng tôi được được đánh thức bởi một bản giao hưởng các thanh âm của vượn, chim và tiếng gầm khẽ của cá sấu trong bàu - thứ mà có thể xem là xa xỉ với nhịp sống hối hả ngày nay.

Nhìn về phía bàu, một lớp sương mờ ảo phủ trên mặt nước. Ngước mắt lên thấy thấp thoáng vài tia nắng nhẹ xuyên qua chái nhà trạm kiểm lâm. Phóng tầm mắt ra xa, thấy màu xanh của cây cỏ, hoa lá, núi rừng ngập tràn sức sống trong ánh bình minh.

Đến tận lúc chào tạm biệt, chúng tôi vẫn vương vấn mãi câu bông đùa của cán bộ kiểm lâm Linh khi nói về rừng Cát Tiên: “Người trao có nửa nụ cười/ Mà ta mất cả một đời để quên”.

Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Trần Văn Bình cho biết, Vườn quốc gia Cát Tiên đang khai thác khoảng 20 tuyến du lịch. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến xu hướng du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên. Tại Việt Nam, loại hình này đã bước đầu định hình, bao gồm du lịch sinh thái, du lịch khám phá, du lịch quan sát đời sống động thực vật hoang dã.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.