Theo WHO và OIE, các hoạt động gây nuôi, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã sẽ làm phát sinh và tăng nguy cơ lây truyền mầm bệnh nguy hiểm từ động vật hoang dã sang người.
Cắt giảm tiêu dùng thịt thú rừng để tránh những đại dịch nguy hiểm
Không chỉ người dân VN mà cả thế giới chưa thể nào quên được những hình ảnh tang thương, kinh hoàng của đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng tới đời sống xã hội trong suốt hơn 2 năm vừa qua.
Tính đến thời điểm này, biến chủng của virus Corona mang tên Sars-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 6,5 triệu người trên thế giới và trên 43.000 người tại Việt Nam.
Covid-19 được Bộ Y tế xếp là loại bệnh truyền nhiễm nhóm A, là bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền từ người hoặc từ động vật sang người.
Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người trong thế kỷ qua đều có liên quan tới động vật, gần 2/3 trong số đó có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Trong đó, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên người hiện nay là Sars; Mers, HIV, cúm gia cầm hay gần đây nhất là đậu mùa khỉ đều được xác định có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Biến chủng SARS-CoV-2 cũng bị nghi ngờ có nguồn gốc từ ĐVHD đã và đang gây hậu quả sâu rộng đối với con người, từ sức khoẻ tinh thần, thể chất, đến sinh kế, phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác trong xã hội.
Thống kê của OIE, WHO cho thấy mối liên hệ giữa con người và động vật, ĐVHD nói riêng trong việc thúc đẩy hoặc kiềm chế các dịch bệnh truyền nhiễm. Nhưng chính các hoạt động của con người như gây nuôi, tiêu dùng ĐVHD làm phát sinh và lan truyền mầm bệnh từ động vật sang người.
Một bộ phận người tiêu dùng muốn ăn thịt thú rừng do tò mò hoặc cho rằng thịt thú rừng giúp bồi bổ sức khỏe và khẳng định đẳng cấp trong xã hội. Những động cơ như vậy khiến cho việc tiêu thụ thịt thú rừng vẫn còn phổ biến ở Việt Nam, nhất là tại các đô thị lớn.
Nhu cầu tiêu dùng thịt ĐVHD là nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã trái phép hiện nay.
Theo ước tính mỗi năm có khoảng 3.500 đến 4.000 tấn thịt thú rừng đi qua thị trường Việt Nam và với khoảng một nửa được tiêu thụ trong nước, trong đó 80% phục vụ trong các nhà hàng dưới dạng “đặc sản thịt rừng”.
Từ HIV tới SARS, Sars-CoV-2 và gần đây nhất là đậu mùa khỉ cho thấy nguy cơ bùng phát một đại dịch mới trên người sẽ không xa xôi nếu mỗi chúng ta không hành động kịp thời để vừa bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân chúng ta vừa bảo tồn được môi trường thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã.
Do đó, hơn ai hết, ngay chính bản thân người tiêu dùng nên tự giác và giác ngộ để từ bỏ thói quen ăn thịt thú rừng bởi những tác hại của hành vi này với sức khoẻ của chính mình và cộng đồng.
Đặc biệt, thay vì coi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng là thể hiện đẳng cấp thì với một đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập sâu rộng như Việt Nam, hãy coi việc nói không với thịt thú rừng là thể hiện nét văn minh hội nhập của người Việt Nam với phần còn lại của thế giới.