| Hotline: 0983.970.780

Phát động chiến dịch thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng

Thứ Sáu 21/10/2022 , 09:35 (GMT+7)

Hà Nội WWF-Việt Nam phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo sáng 21/10, nhằm kêu gọi cộng đồng xã hội thay đổi nhận thức và bảo vệ động vật hoang dã.

Ông Văn Ngọc Thịnh, CEO của WWF-Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Văn Ngọc Thịnh, CEO của WWF-Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 21/10, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Họp báo Phát động chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị.

Dự trực tiếp tại Khách sạn Công Đoàn có: ông Văn Ngọc Thịnh - CEO WWF-Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Thạch - Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam; ông Nguyễn Văn Long - Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT); ông Nguyễn Quốc Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT); bà Amanda Fine - Giám đốc Một Sức khỏe - Tổ chức WCS cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương liên quan.

Đặc biệt, buổi họp báo còn đón gần 100 nhà báo, phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí. Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên nền tảng điện tử của Báo Nông nghiệp Việt Nam điện tử, bắt đầu từ 9h.

Sự kiện nằm trong chiến dịch giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng, với cách tiếp cận đổi mới, tại ba quốc gia - Việt Nam, Lào và Campuchia. Nội dung của chiến dịch nhằm nhấn mạnh tới hai mối đe dọa nghiêm trọng mà con người đang đối mặt: Rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên.

Sự kiện thu hút sự quan tâm và tham dự của rất nhiều nhà báo, phóng viên tới từ gần 50 cơ quan thông tấn, báo chí. Ảnh: Tùng Đinh.

Sự kiện thu hút sự quan tâm và tham dự của rất nhiều nhà báo, phóng viên tới từ gần 50 cơ quan thông tấn, báo chí. Ảnh: Tùng Đinh.

Lào, Việt Nam, Campuchia là ba quốc gia sử dụng nhiều thịt động vật hoang dã, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng. Đây là nguy cơ có thể lây truyền những bệnh có nguồn gốc từ động vật. Ngoài ra, việc sử dụng thịt thú rừng còn dẫn đến tình trạng buôn bán động vật hoang dã, góp phần gây ra các thảm hoạ, đe dọa nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, WWF phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phát động và thực hiện chiến dịch này.

Phát biểu khai mạc, ông Văn Ngọc Thịnh, CEO của WWF-Việt Nam cho biết, những dịch bệnh nguy hiểm vừa qua, phần lớn đều xuất phát từ động vật hoang dã. Mỗi mắt xích trong quá trình tiếp xúc với động vật hoang dã đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh.

"Qua đại dịch Covid-19, chúng ta có cơ hội nhìn lại mối quan hệ của con người với thiên nhiên, để chúng ta nhìn thấy rõ hơn vai trò của mỗi cá nhân trước một cuộc khủng hoảng kép: khủng hoảng với sức khỏe con người và khủng hoảng với thiên nhiên", ông Thịnh chia sẻ.

Theo lãnh đạo WWF-Việt Nam, ngay từ lúc này, con người phải chung tay hành động. Trong đó có việc nói không với tiêu thụ động vật hoang dã. Đây cũng là một cách để bảo vệ những nguồn gen quý và bảo tồn đa dạng sinh học.

Do phạm vi của chiến dịch khá rộng, nên WWF thống nhất với các đơn vị khoanh vùng đối tượng mục tiêu là người tiêu dùng thành thị. Tổ chức này cho rằng, động cơ chính khiến người dân ăn thịt thú rừng là bởi tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc bồi bổ sức khỏe. Trong đó, đối tượng có nhu cầu cao nhất thường nằm ở các đô thị lớn.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, người tiêu dùng thành thị, trước hết là các nhà báo, các đơn vị thông tin, truyền thông cần thay đổi hành vi.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, người tiêu dùng thành thị, trước hết là các nhà báo, các đơn vị thông tin, truyền thông cần thay đổi hành vi.

Tham luận tại buổi họp báo, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cho biết, người tiêu dùng thành thị, trước hết là các nhà báo, các đơn vị thông tin, truyền thông cần thay đổi hành vi. “Chúng ta giờ không chỉ cần ăn ngon, mà cần ăn một cách trách nhiệm với sức khỏe của bản thân và xã hội”, ông chia sẻ.

Dù mới đặt những viên gạch đầu tiên, chiến dịch được nhà báo Hoàng đánh giá là đặt mục tiêu trúng đích, bởi người tiêu dùng thành thị tiêu thụ phần lớn thịt thú rừng. Tuy nhiên, ông băn khoăn về việc công khai thông tin về người tiêu dùng, hoặc các đối tượng tham gia chuỗi cung cấp thú rừng.

Để có thể quản lý một cách hiệu quả việc săn bắt cũng như tiêu thụ thịt thú rừng, ông Hoàng kêu gọi siết chặt các công cụ thực thi pháp luật. Dựa trên hàng chục năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điều tra, ông cam kết sẵn sàng cung cấp các tư liệu, hình ảnh để giúp cơ quan quản lý có “lời giải trọn vẹn”.

Ý kiến của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng được các nhà báo tham dự đồng tình. Nhà báo Nguyễn Kiểm, báo Quân đội Nhân dân cho rằng cần nâng cao sự hiệu quả của việc thực thi các chính sách, trên cơ sở hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về động vật hoang đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ.

Từ kinh nghiệm bản thân, nhà báo Kiểm cho rằng hiện nhiều nơi, nghề nuôi động vật hoang dã đã trở thành một nghề, một sinh kế với người dân. Ông cho rằng, cần có cách ứng xử hợp lý, linh hoạt với hoạt động nuôi động vật hoang dã có mục đích thương mại, tránh cực đoan thái quá.

Là một nhà báo trẻ, nhà báo Hoàng Chiên, báo Nông thôn Ngày nay đề nghị các tổ chức quốc tế và cơ quan quản lý nhà nước có thêm sự hỗ trợ như tổ chức các cuộc thi, hoặc tập huấn, đào tạo để các nhà báo có thêm tri thức, và không gian hoạt động, nhằm chung tay bảo vệ động vật hoang dã.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam kêu gọi cần chung tay hành động, nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm diễn biến phức tạp, với tần suất ngày càng nhanh, càng dày.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam kêu gọi cần chung tay hành động, nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm diễn biến phức tạp, với tần suất ngày càng nhanh, càng dày.

Thay mặt ban tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhắc lại dịch Covid-19 xảy ra trong vòng hai năm qua tại Việt Nam đã khiến 43.159 người vĩnh viễn ra đi và hơn 11,5 triệu ca mắc trên cả nước. Đồng thời cho rằng, con người hiện không thể lường được tương lai còn đại dịch nào nữa.

"Qua buổi họp hôm nay, chúng ta phần nào biết được nguyên nhân của những dịch bệnh nguy hiểm là từ động vật hoang dã. Do đó, tất cả cần chung tay hành động, nhằm kịp thời ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm diễn biến phức tạp, với tần suất ngày càng nhanh, càng dày", ông Thạch nói.

Để nâng cao nhận thức cho xã hội, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu cao tinh thần dấn thân, trách nhiệm của báo chí. Đồng thời, ông kêu gọi sự chung tay, đồng hành của các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý nhà nước để các cơ quan truyền thông được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, nhanh chóng.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.