| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi thói quen tiêu thụ thịt thú rừng của người dân thành thị

Thứ Năm 20/10/2022 , 17:45 (GMT+7)

Nhằm tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ động vật hoang dã, WWF phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chiến dịch tuyên truyền tại các thành phố lớn.

Ngày 17/10/2022, Hạt Kiểm lâm TP Huế (Thừa Thiên - Huế) cho biết, cơ quan này vừa tổ chức tiếp nhận 1 cá thể tê tê java (tên khoa học là manis javanica), trọng lượng 1,5kg, do người dân giao nộp sau khi bắt được trong vườn nhà. Đây là loài động vật rừng quý hiếm, nguy cấp thuộc nhóm IB.

Sau khi được lập hồ sơ xác lập quyền sở hữu toàn dân, cá thể tê tê java được Hạt Kiểm lâm TP Huế phối hợp với Trung tâm cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Bạch Mã) thả về môi trường tự nhiên. 

Buôn bán động vật hoang dã ước tính mang lại số tiền hàng năm tới 20 tỷ USD.

Buôn bán động vật hoang dã ước tính mang lại số tiền hàng năm tới 20 tỷ USD.

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), tê tê là một trong những loài có rủi ro bị buôn bán vào Việt Nam, bên cạnh tê giác châu Á, voi và mèo lớn. Tuy nhiên, không phải động vật hoang dã nào cũng gặp may mắn như cá thể tê tê tại Thừa Thiên - Huế. 

Theo Báo cáo Sức sống Hành tinh 2022 của WWF, từ năm 1970 tới nay, cứ 10 quần thể thuộc các lớp thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá thì giảm xuống còn 3. Tổ chức này cũng chỉ rõ, “khai thác, tiêu thụ” là một trong những nguyên nhân chính của việc suy giảm, ngoài các nguyên nhân như mất sinh cảnh, du nhập các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm, biến đổi khí hậu và dịch bệnh.

Việc khai thác, tiêu thụ động vật hoang dã bao gồm săn bắn, buôn bán, vận chuyển, gây nuôi giết mổ và tiêu dùng. Mỗi mắt xích trong quá trình này đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người, đặc biệt khi con người tương tác với các loài có nguy có cao lây truyền bệnh có thể gây ra ổ dịch, đại dịch.

Buôn bán động vật hoang dã ước tính mang lại số tiền hàng năm tới 20 tỷ USD. Nhưng đi kèm là nhiều nguy cơ. Ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chỉ rõ, một trong những nguyên nhân làm bùng phát những dịch bệnh như Hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS/HIV), Ebola, Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-Cov), đại dịch Covid-19 hay bệnh Đậu mùa khỉ... là do sử dụng thịt thú rừng để làm thực phẩm.

Một cá thể tê tê java quý hiếm nặng 1,5 kg vừa được Hạt Kiểm lâm TP Huế tiếp nhận từ người dân cách đây vài ngày.

Một cá thể tê tê java quý hiếm nặng 1,5 kg vừa được Hạt Kiểm lâm TP Huế tiếp nhận từ người dân cách đây vài ngày.

Tổ chức Thú y thế giới (OIE) thống kê, 60 năm qua đã có 335 bệnh mới xảy ra trên người, trong đó 144 tác nhân gây bệnh (chiếm 43%) có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đặc biệt từ các loài linh trưởng, thú ăn thịt (cầy, cáo), dơi, chim hoang dã, tê tê…. Dù vậy, hầu hết người tiêu dùng không nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn mà bản thân họ, người thân và xã hội phải chịu khi mua thịt thú rừng.

Hiện nay, các đợt bùng phát, dịch bệnh, hay thậm chí là đại dịch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều do sự tiếp xúc gần gũi và thường xuyên hơn giữa con người và động vật hoang dã. Ước tính, trong vòng 30 năm qua, khoảng 75% các bệnh mới ở người là do lay truyền từ động vật.

Một hướng đi được nhiều người dân lựa chọn đầu tư thời gian qua là nuôi động vật hoang dã, giúp cải thiện sinh kế và mang lại lợi nhuận, theo ông Nguyễn Quốc Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT). Hoạt động này góp phần bảo tồn động vật hoang dã do cung cấp một phần các sản phẩm thay thế.

Để hoạt động này đúng pháp luật, lãnh đạo Cục Kiểm lâm khuyên người dân có phương án nuôi phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài, đảm bảo an toàn cho người; nguồn giống hợp pháp; lập sổ theo dõi nuôi; đăng ký mã số cơ sở nuôi; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ. 

Nhằm cung cấp một giải pháp tổng thể, WWF ra mắt chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của người tiêu dùng thành thị. Với cách tiếp cận mới, WWF tập trung vào 2 mối đe dọa mà con người phải đối mặt là rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên.

Tình trạng săn, bắt động vật hoang dã gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Tình trạng săn, bắt động vật hoang dã gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Chiến dịch được thực hiện tại 3 quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Lào và Campuchia. Tại Việt Nam, WWF phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ NN-PTNT) phát động và thực hiện chiến dịch này. Nhiều hoạt động sẽ diễn ra trong suốt thời gian chiến dịch nhằm tiếp cận đa dạng các đối tượng, giúp họ thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng, đặc biệt là những loài nguy cơ cao như cầy hương, khỉ và tê tê.

Ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn các loài hoang dã thuộc WWF-Việt Nam chia sẻ: “Trong chiến dịch này, chúng tôi mong muốn giúp người dân thành thị thay đổi thói quen tiêu thụ thịt thú rừng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, động cơ chính khiến người dân ăn thịt thú rừng là bởi tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc bồi bổ sức khỏe".

Trên cơ sở đó, ông Tín cùng cộng sự sẽ xây dựng một chiến dịch dựa vào động cơ của người tiêu dùng, từng bước thay đổi nhận thức để xã hội hiểu rằng tiêu thụ thịt thú rừng không đáng để đánh cược sức khoẻ của chính bản thân và cộng đồng. Hành vi này có thể làm phát sinh và lan truyền các tác nhân gây bệnh từ động vật sang người. 

Chung quan điểm, bà Jan Vertefeuille, Cố vấn cấp cao về Vận động Chính sách của WWF Hoa Kỳ bày tỏ: "Phương pháp tiếp cận người tiêu dùng để thay đổi hành vi là rất cần thiết. Đó là cơ sở để thay đổi quan niệm của xã hội về tiêu dùng thịt thú rừng và ngăn chặn nguy cơ bùng phát các đại dịch”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.