Những năm gần đây, nhiều địa phương đã triển khai mô hình trồng cây gai xanh góp phần xoá đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc và người dân tại địa phương.
Gai xanh - Cây xoá đói giảm nghèo
Đây là vùng nguyên liệu cây gai xanh rộng gần 2 ha của gia đình anh Nguyễn Ngọc Nguyên, xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá. Trước đây, diện tích này chỉ trồng sắn, củ đậu năng suất đạt được không cao và giá trị kinh tế thấp. Từ khi chuyển đổi sang trồng cây gai xanh, hiệu quả cũng như năng suất của loại cây này mang lại là rất cao. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Nguyên thu về khoảng 70 triệu đồng. Nhờ đó kinh tế ngày càng khấm khá hơn.
Ông NGUYỄN NGỌC NGUYÊN
Xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá
Tỉnh với huyện hỗ trợ tiền cày, tiền giống, máy có 3 cái đó. Như thế tốt cho dân đỡ chi phí máy móc, tiền cày cũng giảm bớt đi. Trồng cây gai xanh có cái thuận lợi nhiều thứ: lá dùng bón phân luôn, công nhân thì đi làm gần địa bàn nên cũng dễ.
Từ năm 2018 đến nay, huyện Cẩm Thủy đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh. Nhờ đầu ra ổn định nên bước đầu cây gai xanh đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Hiện, diện tích trồng cây gai xanh tại huyện Cẩm Thuỷ là hơn 400 ha, phấn đấu đến năm 2025 đạt hơn 1500 ha. Từ khi cây gai xanh bén rễ tại địa phương này, đói nghèo đã dần bị xoá sổ.
Anh NGUYỄN XUÂN HƯNG
Huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá
Trước đây nhiều hộ nghèo lắm, từ ngày có gai đây thì đỡ hẳn. Trước đây làm lúa thì không được bao nhiêu, nhưng chuyển sang làm cây gai thì kinh tế phát triển hơn. Từ ngày có nhà máy dệt cây gai thì đời sống bà con ổn định hơn, thu nhập cũng khá hơn.
Ông PHẠM MINH VŨ
Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Thuỷ
Cây gai xanh khá phù hợp với đồng đất của tỉnh Thanh Hoá nói chung và huyện Cẩm Thuỷ nói riêng, tạo sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân. 1ha hiện nay sau khi trừ chi phí đi người dân có lãi 60-80 triệu đồng, 1 năm cho thu 4 đến 5 lứa, giải quyết lực lượng lao động nông nhàn rất lớn.
Cây gai xanh được đánh giá là cây trồng thích hợp với nhiều loại đất nên có thể sản xuất với quy mô lớn, đặc biệt tại các tỉnh miền núi nơi có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Kỹ thuật sản xuất loại cây này không yêu cầu cao, khâu chăm sóc, bón phân đơn giản, dễ hiểu và dễ áp dụng. Hơn nữa, so với các cây trồng khác hiện nay đồng bào dân tộc vẫn trồng để duy trì cuộc sống như: cây keo, cây ngô, cây sắn… hiệu quả kinh tế của cây gai cao hơn từ 2 - 3 lần. Thời gian thu hoạch từ 2 - 3 tháng, giúp bà con có thể rút ngắn thời gian đầu tư, thu hồi vốn nhanh và đảm bảo thu nhập.
Ông TRẦN THANH NAM
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Hiện nay đây là nguyên liệu rất tốt phục vụ ngành dệt may và có giá trị kinh tế cao. Phù hợp với các vùng miền đặc biệt là vùng đồi có dốc cao. Chúng tôi đánh giá đây là loại cây có thê tăng thu nhập cho bà con nông dân ở các vùng núi, vùng sâu, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, việc nghiên cứu và sản xuất gai để lấy sợi ở Việt Nam mới đang trong giai đoạn đầu. Theo đó, Tập đoàn An Phước là đơn vị đi tiên phong trong xây dựng quy trình sản xuất khép kín từ vùng nguyên liệu đến nhà máy sản xuất sợi gai tại Việt Nam. Đơn vị này đã phối hợp với các nhà nghiên cứu của Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo thành công giống gai xanh AP1 phục vụ cho vùng nguyên liệu và được Cục trồng chọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng cho giống gai AP1. Đây là giống cây trồng tiềm năng và có giá trị kinh tế cao, là vật liệu dệt tự nhiên, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.