Gia cầm tiếp tục là loại thịt tăng trưởng nhanh nhất 10 năm tới. 120 triệu tấn nông sản được chế biến bảo quản mỗi năm. Giá lúa ĐBSCL giảm sâu so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra sang ASEAN tăng 87%.
Gia cầm tiếp tục là loại thịt tăng trưởng nhanh nhất 10 năm tới
Theo Báo cáo Triển vọng Nông nghiệp do tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) phối hợp thực hiện, gia cầmsẽ tiếp tục là loại thịt tăng trưởng nhanh nhất trong vòng một thập kỷ tới và dự kiến đến năm 2031, gia cầm sẽ chiếm 47% thị trường thịt thế giới.Theo đó, sự chuyển hướng dài hạn sang chăn nuôi gia cầm sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ do xu hướng tiêu dùng ưa chuộng thịt trắng ở các quốc gia có thu nhập cao, còn ở các quốc gia đa số người dân có thu nhập trung bình và thấp, thịt gia cầm cũng được coi là một loại thịt thay thế rẻ hơn so với các loại thịt khác.Do đó, báo cáo của OECD và FAO dự đoán rằng, lượng protein sẵn có từ gia cầm sẽ tăng trưởng 16% vào năm 2031 và sau đó sẽ chiếm lĩnh 47% lượng protein tiêu thụ từ các nguồn thịt, xếp tiếp sau đó mới là thịt lợn, thịt cừu và thịt bò.
120 triệu tấn nông sản được chế biến bảo quản mỗi năm
Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, cả nước đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô lớn và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ. Mỗi năm có thể chế biến, bảo quản khoảng 120 triệu tấn nông sản để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.Công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu phát triển đã góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn. Qua đó, góp phần hình thành những vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung có sản lượng hàng hóa lớn như: Tôm ở khu vực bán đảo Cà Mau; lúa gạo, cá tra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thanh long ở Long An, Tiền Giang, Bình Thuận; vải ở Bắc Giang; cà phê ở Tây Nguyên...
GIÁ LÚA ĐBSCL GIẢM SÂU SO VỚI CÙNG KỲ
Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, vụ lúa trên đất nuôi tôm năm nay toàn tỉnh xuống giống 37.738 ha, tăng 5,12% so kế hoạch, tăng 1,59% so cùng kỳ.Tuy nhiên, những ngày gần đây khi nhiều diện tích lúa - tôm đang bước vào thu hoạch rộ thì giá lúa lại giảm ngày một nhiều. Cụ thể, lúa tươi các loại giống như: OM2517, OM451, BTE1 giá bán từ 5.700-6.700 đồng/kg, giảm 300-500 đồng/kg so cùng kỳ. Giá lúa chất lượng cao như giống ST24, ST25 dao động từ 6.000-7.300 đồng/kg, giảm từ 500-2.000 đồng/kg so cùng kỳ. Ðiều đáng nói, thời điểm thu hoạch trà lúa - tôm năm nay không trùng thời điểm thu hoạch vụ đông xuân trong tỉnh và cả khu vực ÐBSCL nên sản lượng lúa không nhiều, cung không vượt cầu; hiện nay giá gạo xuất khẩu trên thế giới cũng đang ổn định nhưng giá lúa lại giảm mạnh.
XUẤT KHẨU CÁ TRA SANG ASEAN TĂNG 87%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu cá tra sang khối thị trường ASEAN đạt 183 triệu USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái. ASEAN chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra trong 11 tháng năm 2022.Như vậy, năm 2022, bên cạnh thị trường Trung Quốc, các nước ASEAN cũng có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Top 4 thị trường trong khối ASEAN nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia và Phillippines, đều tăng từ 50 – 93% nhập khẩu cá tra trong 11 tháng qua.