| Hotline: 0983.970.780

Mục tiêu an ninh lương thực trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030

Thứ Năm 08/09/2022 , 10:42 (GMT+7)

Năm 2030, TP.HCM tăng 15% khả năng cung ứng nhu cầu lương thực thực phẩm so với năm 2020, trong đó đáp ứng 624.299 tấn rau, 30.000 tấn thịt heo, 1.000 tấn thịt gia cầm.

HTX rau sạch Củ Chi ứng dụng trồng rau thủy canh trong nhà màng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

HTX rau sạch Củ Chi ứng dụng trồng rau thủy canh trong nhà màng. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM về bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 do UBND TP.HCM mới ban hành, TP.HCM phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng bình quân GRDP nông lâm thủy sản và tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất ngành đạt 2%/năm; giá trị sản xuất đạt 900.000 - 1 triệu đồng/ha. TP.HCM giữ ổn định 1.000 hecta đất canh tác lúa đến năm 2025.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 có thể sản xuất tại chỗ gần 20.000 tấn gạo, 580.000 tấn rau, hơn 46.000 tấn thịt heo, 2.000 tấn thịt gia cầm. Thu nhập bình quân hộ nông thôn đạt 100 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2030, TP.HCM đặt mục tiêu khả năng cung ứng nhu cầu các loại lương thực thực phẩm tăng 15% so với năm 2020, trong đó sản xuất tại TP.HCM đáp ứng 624.299 tấn rau (28,7%), 30.000 tấn thịt heo (8%), 1.000 tấn thịt gia cầm (0,3%). Thu nhập bình quân hộ nông dân đạt 133 triệu đồng/người/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, TP.HCM tiếp tục cơ cấu lại để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ lương thực, thực phẩm theo hướng sản xuất tập trung, hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị. Trong đó, tập trung nghiên cứu, chọn tạo, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với cây lúa, cây ăn quả tập trung chọn tạo các giống chịu mặn, chịu hạn, chịu úng. Xây dựng, phát triển các vùng sản xuất tập trung, an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), gắn với cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, phát triển giống cây trồng mới. Tăng cường quản lý, thực hiện theo quy hoạch, từ đó có thể điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Xây dựng “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Đồng thời, nâng cao khả năng và quyền tiếp cận của người dân đối với lương thực, thực phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng. Cụ thể, cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn cho người dân TP; thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm từ sản xuất đến bàn ăn. Đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, thương mại, lương thực, thực phẩm, đặc biệt là hệ thống kho dự trữ, bảo quản, logistics, lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống, nhất là các hộ nghèo.

Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện chính sách bảo đảm an ninh lương thực. Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội; gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cùng với đó, tạo thuận lợi về thủ tục đất đai để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong lưu thông, xuất nhập khẩu lương thực, TP.HCM đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết với các tỉnh trong sản xuất, chế biến nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng. Đồng thời, quan tâm khai thác thị trường các quốc gia và vùng lãnh thổ như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đối với các mặt hàng thủy sản và rau củ quả.

Ngoài ra, TP.HCM cũng đào tạo phát triển nguồn nhân lực; phát triển hệ thống lưu thông, xuất nhập khẩu lương thực; đẩy mạnh liên kết vùng và hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh lương thực. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước an ninh lương thực; quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

TP.HCM đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 2026 - 2030 duy trì ở mức 3%; tiếp tục phát triển các con giống vật nuôi chủ lực (heo, bò sữa) của TP và trở thành trung tâm sản xuất con giống cho các tỉnh và khu vực vào năm 2030.

Chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại 3B trên địa bàn huyện Củ Chị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại 3B trên địa bàn huyện Củ Chị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đến năm 2030, chăn nuôi trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là trang trại quy mô vừa và lớn; hình thành vùng an toàn dịch bệnh cấp TP đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật. Đồng thời, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã sản xuất giống vật nuôi chủ lực của TP.

Đến năm 2045, chăn nuôi TP là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó, trình độ và năng lực sản xuất con giống của TP.HCM thuộc nhóm đầu của cả nước. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; bệnh lây nhiễm sang người. Các sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

Xem thêm
Đặt, duy trì hoạt động của cân đối chứng tại các chợ, trung tâm thương mại

Đây là một trong những trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ, trung tâm thương mại theo Nghị định số 55/2024/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

VRG phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng

VRG luôn kiên định trên hành trình phát triển bền vững khi xây dựng chiến lược 'xanh' làm nền tảng.

Đà Nẵng: Bất động sản đô thị ngày càng xứng tầm thành phố đáng sống

Xu hướng đầu tư ngày càng có dấu hiệu dịch chuyển tới các đô thị năng động như Đà Nẵng do mức giá tốt, tiềm năng dồi dào, hạ tầng đầy đủ...