Giá gạo Thái Lan tăng 15% trong vòng 4 tháng. Phát hiện voọc đen má trắng tại Bắc Kạn. Ngư dân bỏ nghề đánh cá, chuyển sang nuôi ong rừng ngập mặn. Doanh nghiệp e ngại đầu tư cơ sở giết mổ gia súc tập trung.
Giá gạo Thái Lan tăng 15% trong vòng 4 tháng
Giá gạo tại châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua khi các nhà nhập khẩu tăng cường mua tích trữ trước ngại thời tiết nắng nóng vì hiện tượng El Nino có thể khiến sản lượng gạo Thái lan giảm sút. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩugạo Thái Lan, giá gạo tấm 5% của nước này đã tăng khoảng 15% trong 4 tháng qua, lên mức 535 USD/tấn. Đây là mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2021. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết El Nino đã xuất hiện tại vùng nhiệt đới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 7 năm, đe dọa gây ra khô hạn tại khu vực Đông Nam Á. Tuần trước, thế giới cũng ghi nhận tuần nóng nhất lịch sử, làm gia tăng mối quan ngại về biến đổi khí hậu.
Phát hiện voọc đen má trắng tại Bắc Kạn
Gần đây, cán bộ kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đi tuần rừng phát hiện 1 cá thể voọc có đặc điểm đuôi dài, thân lông màu đen, hai bên má trắng, nghi là voọc đen má trắng. Sau một thời gian theo dõi, ngày 10/7, cán bộ Khu bảo tồn đã tiếp cận để chụp ảnh, quay video cận cảnh đối với cá thể này. Đây là lần đầu tiên phát hiện vọoc đen má trắng sinh sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Do đó, khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã tăng cường tuần tra ở những khu vực đàn voọc thường xuyên xuất hiện và tuyên truyền người dân không gây hại đến loài động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng này.
Ngư dân bỏ nghề đánh cá, chuyển sang nuôi ong rừng ngập mặn
Hải Phòng có diện tích rừng ngập mặn tương đối lớn với đa dạng các loại cây sú, bần, vẹt... Vào mùa hoa nở, là điều kiện rất thuận lợi, thích hợp cho đàn ong sinh trưởng, phát triển. Một số hộ dân tại xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng đã chuyển đổi kinh tế từ khai thác thủy sản nhỏ lẻ ven bờ sang nuôi ong lấy mật. Giống ong được các hộ lựa chọn nuôi chủ yếu là ong nội địa, có kích thước nhỏ, không phải di chuyển theo vùng hoa, ít dịch bệnh. Từ hiệu quả ban đầu, để mở rộng quy mô sản xuất, tổ hợp tác nuôi ong của xã Đại Hợp đã được thành lập từ năm 2010 để quy tụ những người có chung nhu cầu và mục đích phát triển kinh tế từ nghề này. Điển hình như tại HTX Mật ong Tùng Hằng, sản phẩm Mật ong hoa rừng ngập mặn nguyên chất của HTX được chứng nhận OCOP đạt 3 sao và đang có những bước phát triển ổn định, bền vững.
Doanh nghiệp e ngại đầu tư cơ sở giết mổ gia súc tập trung
Trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 36 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, với công suất ước 1.500 con gia súc/ngày. Trong đó, chủ yếu là các cơ sở giết mổ gia súc có quy mô nhỏ lẻ, thực hiện phương pháp thủ công, lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực này nhưng gặp nhiều khó khăn do vướng quy hoạch, nguồn vốn đầu tư lớn, việc thu hồi nguồn vốn chậm dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp vẫn còn e ngại. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế, để chấm dứt việc mổ chui, mổ lậu gia súc, tỉnh đã có chủ trương kêu gọi các đoanh nghiệp đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung có quy mô lớn. Tuy nhiên nguồn lực cho lĩnh vực này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ chưa tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng.