Một số chuyên ngành đào tạo nông, lâm, thủy sản 'đói' sinh viên. CropLife cùng nông sản Việt cạnh tranh với thế giới. Phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại ĐBSCL. Trà Vinh có khoảng 2.000ha nuôi tôm càng xanh.
Một số chuyên ngành đào tạo nông, lâm, thủy sản “đói” sinh viên
Ngày 11/7/2023, Bộ NN-PTNT tổ chức “Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn”. Đánh giá về vai trò của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành nông nghiệp và kinh tế nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Có nguồn nhân lực chất lượng mới nâng cao được trình độ sản xuất, nâng suất lao động, năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững của ngành. Tuy nhiên, theo ông Ngô Hồng Giang – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT), một số ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản truyền thống là khoa học đất, khuyến nông, khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo; lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Tư duy mở, 'thực học là thực nghiệm,' 'lấy người học làm trung tâm' chỉ phát huy khi có doanh nghiệp đến với các trường đại học, cơ sở đào tạo. Đo đó, sinh viên, giáo viên chủ động bước ra khỏi cổng trường đến với doanh nghiệp, nhà máy, nông trại...," Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
CropLife cùng nông sản Việt cạnh tranh với thế giới
Nhằm thúc đẩy chuyển đổi toàn diện hệ thống, nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm, chiều 11/7, Hiệp hội CropLife Châu Á và Cục BVTV đã ký kết dự án “Khung quản lý thuốc bảo vệ thực vật bền vững”.Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung đề nghị Hiệp hội CropLife Châu Á tiếp tục đồng hành, hỗ trợ triển khai các chiến lược dài hạn, giúp nông dân tiếp cận các giải pháp khoa học, từ đó đẩy mạnh tăng trưởng, cải thiện năng suất cây trồng, tạo ra nông sản chất lượng cao trong khi hạn chế tối đa các tác động tiêu cực lên môi trường.Về phía Tổ chức CropLife Châu Á, ông Tan Siang Hee thể hiện cam kết trong lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục giúp nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường toàn cầu, đảm bảo sản xuất bền vững, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại ĐBSCL
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 816 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Trong đó, đến 2025, tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại khu vực có điều kiện thuận lợi về hạ tầng và nguồn nước bao gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP.Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistic ở Hậu Giang, để bổ trợ cho TP.Cần Thơ thực hiện vai trò là trung tâm logistic của vùng; xây dựng 7 trung tâm đầu mối có chức năng thu gom, phân loại, chế biến nông sản. Cụ thể là 2 trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng sinh thái nước ngọt; 3 trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với thủy sản; 2 trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với trái cây, rau màu.
Trà Vinh có khoảng 2.000ha nuôi tôm càng xanh
Trà Vinh đang khẳng định vị thế là một trong những địa phương tiên phong trong nuôi tôm càng xanh, góp phần xây dựng nguồn tôm sạch và bền vững cho thị trường trong và ngoài nước. Theo Chi Cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, hiện tại là thời điểm thả tôm càng giống cho vụ nuôi năm 2023. Trung bình mỗi năm, tỉnh này có khoảng 2.000 ha diện tích nuôi tôm càng xanh tại các vùng nước lợ tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Trà Vinh, cho biết tỉnh đang khuyến khích nông dân thực hiện mô hình 1 vụ lúa - 1 vụ tôm càng xanh hoặc 1 vụ tôm sú - 1 vụ tôm càng. Mô hình này không chỉ đảm bảo cung cấp nguồn tôm sạch mà còn mang lại giá trị kinh tế cao cho sản phẩm.