Khẩn trương khống chế các ổ dịch viêm da nổi cục. Giá heo hơi áp sát mốc 60.000 đồng/kg. Nhật Bản tăng nhập khẩu chuối từ Việt Nam. Giá xuất khẩu nhiều nông thủy sản tăng vọt.
KHẨN TRƯƠNG KHỐNG CHẾ CÁC Ổ DỊCH VIÊM DA NỔI CỤC
Trước nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục lây lan diện rộng gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định về việc tập trung chỉ đạo kiểm soát bệnh viêm da nổi cục. Theo đó, các địa phương khẩn trương rà soát, bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch, nhất là kinh phí mua vacxin và tổ chức tiêm phòng, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm. Đẩy mạnh việc xã hội hóa tiêm vacxin phòng bệnh; kinh phí hỗ trợ cho lực lượng thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch; kinh phí mua thuốc diệt côn trùng tại các địa phương đang có dịch, địa phương có nguy cơ cao. Từ đầu năm đến nay, 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định có tới 1.800 con trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục.
GIÁ HEO HƠI ÁP SÁT MỐC 60.000 ĐỒNG/KG
Tuần nay, giá heo hơi tại một số địa phương đã tăng 7% so với đầu năm, lên 60.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá heo hơi đã tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với tuần trước, lên 56.000-58.000 đồng/kg Còn tại miền Trung, sau khi tăng 2.000 đồng vào tuần trước, hiện giá heo hơi tăng thêm 4.000 đồng, cán mốc 59.000 đồng/kg. Miền Nam là khu vực có giá heo hơi tăng mạnh nhất. Trong đó, Đồng Nai, Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang ghi nhận giá heo hơi tiến sát 60.000 đồng một kg, tăng tới 40% so với tháng 11/2021, thời điểm giá heo hơi thấp nhất 3 năm. Theo các hộ dân nuôi heo, chi phí đầu vào liên tục lên cao đã đẩy giá thành của heo tăng vọt. Thời gian qua, dịch tả heo châu Phi hoành hành cũng khiến nguồn cung trong các hộ nuôi giảm.
NHẬT BẢN TĂNG NHẬP KHẨU CHUỐI TỪ VIỆT NAM
Theo số liệu của Hải quan Nhật Bản, Việt Nam là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 7 cho Nhật Bản trong 3 tháng đầu năm 2022, đạt 1,5 nghìn tấn, trị giá 166 triệu Yên (tương đương 1,3 triệu USD), tăng 38,5% về lượng và tăng 30,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Cùng thời gian trên, nhập khẩu trái chuối của xứ sở hoa anh đào giảm 2,5% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chuối Việt Nam nhập vào Nhật Bản đạt trung bình 110,9 Yên/kg tương đương 0,89 USD/tấn cao hơn nhiều so với giá trung bình chuối nhập khẩu vào nước này là 0,71 USD/tấn và cao hơn so với các nguồn cung cấp lớn nhất: Philippines ; Ecuador và Mexico. Tuy tăng trưởng mạnh nhưng tỷ trọng nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam mới chỉ chiếm 0,6% trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
GIÁ XUẤT KHẨU NHIỀU NÔNG THỦY SẢN TĂNG VỌT
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Bộ NN-PTNT, trong 3 tháng đầu năm, bên cạnh các nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh về lượng và giá trị, vẫn có nhiều nhóm tăng đột biến về giá xuất khẩu. Trong đó, giá cà phê xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm là 2.229 USD/tấn, tăng 24,8% so với cùng kỳ 2021. Giá cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu trung bình đạt 3,2-4,5 USD/kg, cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019. Riêng giá cá tra xuất đi Trung Quốc có mức tăng trưởng gần gấp đôi Giá tiêu xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm đạt 4.664 USD/tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo giá xuất khẩu các nhóm nông sản này sẽ còn tăng khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới lên cao. Nhất là với nhóm hải sản. Khi Trung Quốc, Mỹ là hai thị trường trọng điểm tăng mua.