Vụ mía 2023 - 2024, mặc dù giá thu mua tại Khánh Hòa tăng hơn năm ngoái, song nông dân vẫn đối diện một vụ mùa kém vui do năng suất giảm.
Giá mía tăng, nông dân vẫn kém vui
Niên vụ mía 2023-2024, mặc dù giá mía tại Khánh Hòa được thu mua tăng hơn năm ngoái, song nông dân thu hoạch vẫn đối diện một vụ mùa kém vui do năng suất giảm.
Niên vụ 2023-2024, toàn tỉnh Khánh Hòa trồng hơn 7 nghìn ha mía. Dù giá mía năm nay được các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thu mua cao hơn niên vụ trước khoảng 50 nghìn đồng một tấn. Tuy nhiên do thời tiết không thuận lợi, cây mía sinh trưởng và phát triển kém nên năng suất giảm, trung bình từ 50 đến 60 tấn/ha, nhiều nơi mía gốc chỉ từ 30 đến 40 tấn/ha. Với chi phí vật tư đầu vào tăng cao nên nông dân hoạch toán lãi thấp.
Phỏng vấn: Ông NGUYỄN BÁ THUẬT, Xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa
Năm vừa rồi mía gốc năng suất phải từ 70-80 tấn/ha nhưng năm nay chỉ đạt hơn 50 tấn/ha. Công ty thu mua với giá 1,13 triệu đồng/tấn, năm vừa rồi là 1,08 triệu đồng/tấn, nói chung cũng có lãi nhưng cũng không được bao nhiêu đâu. Tỉ lệ mía gốc chỉ lãi 10 triệu đồng/ha/năm. Nhà máy đường phải quan tâm đến người nông dân, phải đầu tư mạnh hơn nữa, còn nếu nhà máy mà còn thu hẹp mà không ổn định cấp đầu tư nữa thì thật sự người nông dân không mặn mà mía nữa đâu.
Trước đây dọc theo Tỉnh lộ 5, đoạn qua các xã Ninh Tân, Ninh Sim và Ninh Tây thuộc thị xã Ninh Hòa nhìn hai bên đường đều bạt ngàn cây mía. Thậm chí, mía leo tận đồi cao vì “nhà nhà trồng mía, người người trồng mía”. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, diện tích mía trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói chung và các xã trên nói riêng ngày càng thu hẹp do cây trồng này không đảm bảo lợi nhuận, cuộc sống của gia đình nên nhiều nông dân quay lưng với cây mía, chuyển dần sang cây mì (cây sắn), cây keo và các loại cây ăn trái.
Phỏng vấn: Chị LÊ THỊ VÂN, Xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa
2-3 năm trở lại đây chúng tôi đã bỏ bớt mía, ngày trước tôi làm khoảng 10ha, hiện tại bây giờ tôi chỉ làm một ha vì tôi đã cải cách bớt chuyển sang trồng keo và trồng mì. Hiện tại ở Ninh Tây đã có 2 nhà máy keo cho nên chúng tôi đã cải cách qua. Giá keo 2-3 năm nay ổn định, cao nên chúng tôi chuyển sang để lấy nguồn thu nhập nuôi con ăn học.
Hiện gia đình chị Vân đã chuyển hầu hết diện tích mía sang trồng keo và mì, gia đình chỉ còn 1 ha gần suối là chủ động nước tưới nên mới giữ lại trồng mía, 2 vụ mía gần đây chị cũng bỏ liên kết với nhà máy đường vì thấy lợi ích chưa thỏa đáng. Theo UBND xã Ninh Tây, trước đây diện tích mía trên địa bàn xã hơn 3,5 nghìn ha, tuy nhiên đến nay đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn khoảng 1,3 nghìn ha. Do đó cần những giải pháp để vực dậy cây mía Khánh Hòa.
Phỏng vấn: Ông SỬ HỒNG QUỐC TỊNH, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa
Về giải pháp thì các nhà máy đã có những giải pháp nhưng chưa thu hút được người dân, lí do là chưa có lợi. Để nâng cao năng suất tôi đề nghị UBND tỉnh đầu tư các hồ chứa nước đã được quy hoạch, trên cơ sở có nước bà con mới chủ động nâng cao được năng suất.
Về các Công ty thì tôi cũng mong muốn có nhiều chính sách hơn nữa, tôi biết rằng các Công ty cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân, tuy nhiên các chính sách hỗ trợ hiện nay chưa có đáp ứng được mong mỏi của người dân, cho nên cần nâng cao các hỗ trợ của Công ty.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa, để vực dậy cây mía, cần ban hành chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, vật tư, phân bón cho người dân trồng mía. Cùng với đó, hướng dẫn người trồng mía áp dụng thành tựu công nghệ 4.0, công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ khâu gieo trồng đến khi thu hoạch nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.