Giá phân urê thấp nhất còn 12.000 đồng/kg. Doanh nghiệp xuất khẩu dược liệu sang Trung Quốc phải có đăng ký. Cá ngừ được mùa nhưng ngư dân vẫn lo vì giá thấp. Việt Nam đứng top 5 thế giới về xuất khẩu gỗ dán.
GIÁ PHÂN URÊ THẤP NHẤT CÒN 12.000 ĐỒNG/KG
Do nguồn cung dồi dào và sức tiêu thụ giảm, giá phân Urê tại vùng ĐBSCL giảm thêm từ 20.000-30.000 đồng/bao 50kg so với cách nay gần 1 tháng và đang ở mức thấp nhất trong nhiều tháng qua. Tại cửa hàng vật tư nông nghiệp, giá Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Malaysia ở mức 610.000-670.000 đồng/bao, trong khi cùng kỳ năm trước có giá 890.000-940.000 đồng/bao. Theo chủ nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp, giá phân Urê có khả năng tiếp tục giảm do nguồn cung dồi dào và cạnh tranh giữa nhiều thương hiệu khác nhau.
DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU DƯỢC LIỆU SANG TRUNG QUỐC PHẢI CÓ ĐĂNG KÝ
Cục Bảo vệ Thực vật vừa có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát các vùng trồng và cơ sở đóng gói dược liệu trên địa bàn để chuẩn bị tốt cho việc đăng ký xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.Đồng thời tuyên truyền, phổ biến quy định mới của Trung Quốc; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ về vùng trồng và cơ sơ đóng gói theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật; Tiêu chuẩn cơ sở về Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng, Tiêu chuẩn cơ sở về Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói.Các đơn vị tổng hợp thông tin các vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc theo mẫu và gửi kèm hồ sơ, báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật trước ngày 15/4, để tổng hợp gửi lại cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
CÁ NGỪ ĐƯỢC MÙA NHƯNG NGƯ DÂN VẪN LO VÌ GIÁ THẤP
Hàng loạt tàu cá từ các tỉnh cập cảng Hòn Rớ, Nha Trang, Khánh Hòa chở theo đầy ắp cá ngừ vây vàng sau thời gian dài bám biển xuyên Tết. Các tàu đều đạt sản lượng cao, tuy nhiên giá mua cá đang xuống thấp khoảng 130.000 đồng/kg khiến ngư dân lo lắng.Theo một số chủ vựa thu mua cá ngừ chế biến xuất khẩu, hiện tại cá ngừ bị dội hàng do các nước Mỹ, EU… tiêu thụ khá chậm. Bên cạnh đó, việc xuất sang thị trường Trung Quốc khả quan hơn bởi giao thương được thông suốt, tuy nhiên thời điểm này vẫn xuất khẩu chưa nhiều, phải đến quý 2 mới thấy rõ được sự tiêu thụ mạnh hay không.
VIỆT NAM ĐỨNG TOP 5 THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GỖ DÁN LỚN TRÊN THẾ GIỚI
Thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế - ITC, từ năm 2018 trở lại đây, Việt Nam đứng trong Top 5 thị trường xuất khẩu gỗ dán lớn, giá trị xuất khẩu tăng từ 774 triệu năm 2018 lên 1,1 tỷ vào năm 2022. Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản là các thị trường chính tiêu thụ gỗ dán của Việt Nam.Theo các chuyên gia, thị trường xuất khẩu gỗ dán tại Việt Nam đã ‘bắt đáy’ từ cuối quý III năm ngoái và đã kéo dài 4 tháng qua.Khả năng phục hồi thị trường xuất khẩu gỗ dán trong năm 2023 sẽ tùy thuộc vào những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới, phân khúc thị trường, phân khúc sản phẩm mà các doanh nghiệp nhắm tới.