Giá sầu riêng tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Cần khoảng 1.000 tỷ đồng để thực hiện dự án di dân lòng hồ Yên Mỹ. Thu tiền tỷ từ nuôi chim bồ câu. Cầu Long Kiểng chính thức thông xe sau hơn 2 thập kỷ.
GIÁ SẦU RIÊNG TĂNG HƠN 40% SO VỚI CÙNG KỲ
Tại Đắk Lắk , địa phương có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 cả nước, giá sầu riêng tại vườn đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử như tại huyện Cư Kuin, giống sầu riêng bà con thường trồng là Thái Dona. Nếu như thời điểm này năm ngoái, giá thu mua tận vườn cao nhất là 55.000/kg, còn năm nay giá đã hơn 80.000/kg. Thậm chí có nhiều vườn được thương lái chốt mức giá 90 - 100.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính khiến sầu riêng đội giá như thế vì nhu cầu thu mua tăng đột biến, thương lái tranh mua tranh bán.
Mặc dù giá sầu riêng Đắk Lắk tăng cao là tín hiệu đáng mừng cho nông dân, nhưng trước tình hình diện tích vùng trồng sầu riêng tăng đột biến liên tục trong 3 năm qua, hệ lụy nguồn cung vượt cầu xảy ra trong những vụ mùa tới là rất đáng lo ngại. Cùng với đó, hiện tại nông dân đang chủ động chọn thương lái là kênh mua bán chính - trong khi đây lại chính là kênh mua bán tiềm ẩn nhiều rủi ro như đã từng xảy ra với nhiều loại nông sản khác.
CẦN KHOẢNG 1.000 TỶ ĐỒNG ĐỂ THỰC HIỆN DỰ ÁN DI DÂN LÒNG HỒ YÊN MỸ
Quốc Toản - Sản xuất
Theo Sở NN-PTNT nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đơn vị này đã đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa ưu tiên nguồn lực cho công tác di dân tái định cư và hoàn thiện phương án bồi thường giải phóng mặt bằng dự án di dân lòng hồ Yên Mỹ. Theo đó, có hơn 800 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án sẽ được bồi thường theo phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 2023-2025 và giai đoạn 2 từ năm 2026-2030 với tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Sở NN-PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho UBND các huyện, thị xã làm chủ đầu tư để tạo thuận lợi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
THU TIỀN TỶ TỪ NUÔI CHIM BỒ CÂU
Đinh Mười - Sản xuất
Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Nguyễn Sỹ Điều, trú tại xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy được triển khai từ năm 2019. Đến nay, với 5.000 cặp chim bố mẹ, 1 năm có thể thu về trên dưới 4 tỷ đồng. Với việc chia các cặp chim bố mẹ thành 5 nhóm: mỗi nhóm có 1.000 cặp luân phiên nhau, cứ 1.000 cặp nuôi con thì 1.000 cặp ấp trứng, 1.000 cặp đẻ trứng thì 1.000 cặp nghỉ ngơi,… Thì trong 1 năm, 1 cặp chim bồ câu có thể sinh nở được từ 29-33 con chim non, thay vì từ 18-22 con như nuôi truyền thống. Theo anh Điều, gia đình cung ứng cho thị trường mỗi tháng khoảng 5.000 con chim thương phẩm và hàng trăm cặp chim giống, nhờ vậy mà hiệu quả kinh tế có thể tăng từ 40% lên 60-70%. Ngoài số lượng chim bồ câu gia đình sản xuất ra, hàng năm anh Điều còn nhập thêm ngoài thị trường từ 10.000 đến 20.000 con để cung ứng cho khách hàng.
CẦU LONG KIỂNG CHÍNH THỨC THÔNG XE SAU HƠN 2 THẬP KỶ
Trần Phi - Sản xuất
Ngày 8/9, cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) chính thức thông xe sau hơn 20 năm xây dựng. Đây là một trong những dự án kéo dài lâu nhất của TP.HCM. Dự án cầu Long Kiểng mới được Thành phố phê duyệt đầu tư từ tháng 5/2001 với vốn đầu tư 589 tỷ đồng. Cây cầu được thi công nửa chừng vào năm 2018, hoàn thành cơ bản các trụ cầu nhưng sau đó buộc phải tạm dừng do vướng giải phóng mặt bằng từ năm 2019. Đến tháng 9/2022, UBND huyện Nhà Bè và Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã bàn giao và tiếp nhận mặt bằng để tiếp tục triển khai dự án cầu Long Kiểng.
Cầu Long Kiểng mới có chiều dài 318m, rộng 15m; phần đường dẫn có tổng chiều dài 661m, chiều rộng từ 18 - 29m. Đây là một trong những công trình trọng điểm ở phía Nam TP.HCM, giúp kết nối huyện Nhà Bè với trung tâm thành phố thuận lợi hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực vùng ven.