Giá sầu riêng tăng sốc, lập kỷ lục 290.000 đồng/kg. Ninh Bình: Gần 95% diện tích sản xuất lúa Đông Xuân đã lấy đủ nước. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc. Hà Nội có 4 huyện đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
GIÁ SẦU RIÊNG TĂNG SỐC, LẬP KỶ LỤC 290.000 ĐỒNG/KG
Ghi nhận tại khu vực ĐBSCL, giá sầu riêng tại vườn đang được thu mua với giá 150.000-190.000 đồng mỗi kg, cao gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái và là mức kỷ lục từ trước tới nay.Một số chủ vựa thu mua sầu riêng ở Cần Thơ cho biết cả tuần nay không gom được sầu riêng để trả đơn cho các mối trong nước do giá tại vườn tăng đột biết. Trong khi đó, thương lái liên tục tăng giá nên nhà vườn chỉ bán cho những cơ sở trả giá cao.Thậm chí, với mức chi hoa hồng 1.000 đồng một kg cho người giới thiệu vườn sầu riêng đến vụ thu hoạch, các thương lái vẫn không đủ nguồn hàng để cung ứng cho đối tác.Tại kho đóng hàng ở Tiền Giang, thương lái đang bán sầu riêng cho đối tác xuất đi Trung Quốc giá 290.000 đồng một kg với monthong loại 1, loại 2 là 210.000 đồng, với Ri 6 giá dao động 170.000-230.000 đồng một kg.Nhiều thương lái cho biết giá sầu riêng tăng "sốc" là do nhu cầu phía Trung Quốc tăng gấp nhiều lần so với những năm trước. Vài ngày gần đây, họ thu mua hàng trăm tấn mỗi ngày để xuất đi nhưng lượng đáp ứng chỉ đạt khoảng 30-50% do đang trái vụ, sản lượng thấp.
NINH BÌNH: GẦN 95% DIỆN TÍCH SẢN XUẤT LÚA ĐÔNG XUÂN ĐÃ LẤY ĐỦ NƯỚC
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, vụ đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh gieo cấy trên 39.000 ha lúa. Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về việc lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ đông Xuân 2022-2023, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Ninh Bình đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành tối đa các công trình thủy lợi để hoàn thành cấp đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy; tăng cường tích trữ nước tối đa trong hệ thống kênh mương, đầm, ao, khu trũng dành cho tưới dưỡng. Tính đến hôm nay 4/2, diện tích đã lấy đủ nước là 37.077 ha, đạt 94,7%.Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Ninh Bình cũng khẩn trương vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sớm việc làm đất để giữ nước trên ruộng; tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước.
VIỆT NAM LÀ THỊ TRƯỜNG CUNG CẤP THỦY SẢN LỚN THỨ BA CHO HÀN QUỐC
Năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ ba cho Hàn Quốc với sản lượng đạt 162 nghìn tấn, trị giá 916 triệu USD, tăng 3,6% về lượng và tăng 15,3% về trị giá so với năm 2021. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hàn Quốc ổn định ở mức 10,2%.Dự báo, trong nửa đầu năm 2023, nhập khẩu thủy sản của xứ sở kim chi sẽ tiếp tục chậm lại theo xu hướng trong quý cuối năm 2022 do kinh tế gặp khó khăn và lãi suất cao. Tuy nhiên, sự thay đổi xu hướng tiêu dùng theo hướng giảm chi tiêu của người tiêu dùng cũng là cơ hội để thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản có mức giá phù hợp.
HÀ NỘI CÓ 4 HUYỆN ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO
Tính đến tháng 2/2023, Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, 4 huyện đủ điều kiện về đích huyện nông thôn mới nâng cao gồm Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì. Các địa phương sẽ sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.Cũng theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, toàn thành phố hiện đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở đề nghị của các huyện, thị xã đến nay Văn phòng đã tổ chức Đoàn thẩm định được 40 xã đủ điều kiện trình Hội đồng TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.