Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam năm 2022. EU đang đánh giá lại hoạt chất diệt cỏ Glyphosate. Nông dân Cà Mau phấn khởi cá bớp được giá.
GIÁ THỨC ĂN CHĂN NUÔI TIẾP TỤC TĂNG
Nhiều doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi vừa thông báo tiếp tục tăng giá thức ăn chăn nuôi. Công ty TNHH De Heus thông báo tăng giá bán 300 đồng/kg với các sản phẩm thức ăn đậm đặc dành cho lợn và gà; tăng 240 đồng/kg thức ăn chăn nuôi dành cho lợn con và gia cầm đẻ. Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam thông báo điều chỉnh tăng giá tất cả các sản phẩm thức ăn chăn nuôi 300 đồng/kg. Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăn nuôi của người nông dân. Một trong những nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng là do chúng ta vẫn phải nhập khẩu quá nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tới 80%. Trong khi giá các nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi như lúa mì, ngô, đậu tương đều tăng mạnh do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraina; tình hình mùa vụ ở các nước sản xuất lớn gặp bất lợi.
MỸ VẪN LÀ THỊ TRƯỜNG LỚN NHẤT CỦA TÔM VIỆT NAM NĂM 2022
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) năm 2022, Mỹ vẫn sẽ là thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Với sự hồi phục nhu cần của chuỗi phân phối các sản phẩm dùng trong ngành nhà hàng - khách sạn - bếp ăn công nghiệp HORECA và với thế mạnh tôm chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo đó, trong tháng 2/2022, xuất khẩu tôm đạt 237 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và đưa kết quả xuất khẩu tôm 2 tháng đầu năm 2022 lên 550 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu lớn đều tăng trưởng rất mạnh, trong đó, riêng trong tháng 2/2022, xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ tăng trưởng lên đến 84,2% so với tháng 2/2021; Nhật Bản tăng 15,9%; Trung Quốc và Hồng Kông tăng 91,1%; Hàn Quốc tăng 28%; Canada tăng 69,2% và Anh tăng 37% so với tháng 2/2021.
EU ĐANG ĐÁNH GIÁ LẠI HOẠT CHẤT DIỆT CỎ GLYPHOSATE
Để bảo vệ sức khỏe và môi trường, Liên minh Châu Âu EU có những yêu cầu nghiêm ngặt về việc phê duyệt các hoạt chất thuốc trừ sâu. Các hoạt chất được đánh giá lại định kỳ để đảm bảo rằng các chất vẫn đáp ứng các yêu cầu để được phê duyệt. Glyphosate được xem xét lại lần cuối vào năm 2017 trong khoảng thời gian 5 năm, tức là cho đến năm 2022. Do vậy, EU đang tiến hành đánh giá lại Glyphosate. Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu (EFSA) đã đưa ra báo cáo đánh giá về Glyphosate và Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA) đưa ra nhận xét về các đề xuất về cách Glyphosate nên được phân loại và dán nhãn nguy cơ vật lý, nguy cơ sức khỏe và nguy cơ môi trường. Tại Việt Nam hoạt chất Glyphosate là hóa chất có độ độc cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn loại ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và đã bị cấm sử dụng hoàn toàn tại Việt Nam từ ngày 1/7/2021.
NÔNG DÂN CÀ MAU PHẤN KHỞI CÁ BỚP ĐƯỢC GIÁ
Nông dân Cà Mau nói chung và đảo Hòn Chuối nói riêng đang vô cùng phấn khởi khi giá cá bớp những ngày gần đây liên tục tăng. Theo tính toán của bà con nông dân với mỗi 1000 con cá giống, chi phí thức ăn là khoảng 1 triệu đồng/ ngày. Thời gian nuôi dự tính là 10 tháng, cân nặng của cá khi thu hoạch đạt từ 8-10kg. Với giá cá như thời điểm tháng 11/2021 - giao động từ 110.000 đồng đến 120.000đồng/kg - người nuôi cá không có lời. Nhưng với giá bán thời điểm hiện tại là 155.000 đồng/kg sau trừ chi phí con giống và thức ăn, người nuôi cá thu lời khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg. Đến nay trên đảo Hòn Chuối, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau hiện có 37 hộ/68 hộ đang nuôi cá bớp lồng bè với 196 bè, khoảng trên 30.000 con cá giống.