60 kiểm lâm ở Vườn quốc gia Cát Bà căng mình tuần tra, bảo vệ 6.450ha mặt biển và hơn 10.900ha đất liền trên địa hình hiểm trở.
Vi phạm pháp luật ở Vườn quốc gia Cát Bà được đẩy lùi
Gian nan giữ rừng trên biển
Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) được thành lập ngày 31/3/1986, là 1 trong 33 vườn quốc gia trong cả nước và là vườn quốc gia đầu tiên có cả rừng, biển với diện tích hơn 6.450ha mặt biển, hơn 10.900ha đất liền với 4.048 loài động, thực vật rừng và biển.
Do địa bàn khu vực khá phức tạp, bao bọc chung quanh chủ yếu là diện tích mặt nước biển, địa hình núi đá vôi hiểm trở, gây rất nhiều khó khăn cho công tác tuần tra của kiểm lâm đối với các đối tượng vi phạm.
Phỏng vấn ông Trần Văn Triển, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm vùng I:
“Vườn Quốc gia Cát Bà có điều kiện ngập địa với các loại thực vật trên núi đá, trạng thái rừng thường là cây gỗ nhỏ, thấp. Đây là nguồn vật liệu rất dễ gây cháy và nếu xảy ra việc cháy rừng thì điều kiện để xử lý hiện trường rất khó khăn, hạn chế”.
Theo thống kê của ngành du lịch, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 2 triệu lượt khách du lịch đến với Cát Bà và đem lại tổng doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2022, Cát Bà đón hơn 2,3 triệu lượt khách du lịch và lượng người đổ về Vườn quốc gia Cát Bà cũng là con số rất lớn.
Từ khi quần đảo Cát Bà được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, số lượng khách du lịch đến đây ngày càng nhiều. Gần đây, trung bình mỗi năm có đến trên dưới 2 triệu lượt du khách ghé thăm Cát Bà, kéo theo đó là các dịch vụ du lịch tăng lên, gây khó khăn cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài công tác bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà còn thực hiện chức năng bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà với diện tích hơn 26 nghìn ha, tuy nhiên lực lượng kiểm lâm tại đây tương đối mỏng, chỉ 60 người, có 12 trạm kiểm lâm, trong đó có 4 trạm nổi trên biển.
“Công việc hàng ngày của lực lượng kiểm lâm cũng rất nhiều, trong đó việc tuần tra bảo vệ rừng là chính. Thông thường, các trạm kiểm lâm sẽ lên lịch đi tuần rừng từ đầu tháng, sau đó anh em sẽ bố trí thay phiên nhau đi tuần theo lịch đã định sẵn. Việc đi tuần gặp nhiều vất vả, nhiều khi những tuyến dài, cán bộ kiểm lâm phải qua đêm ở trong rừng”.
Vườn quốc gia Cát Bà có đặc thù là rừng trên núi đá vôi, việc tuần tra bảo vệ rừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vất vả, những lúc trời mưa đường trơn trượt, rất nguy hiểm, anh em đi tuần rất phải cẩn thận mới không bị chấn thương.
Ngoài việc tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng cho người dân, cán bộ kiểm lâm ở đây còn phải tuyên truyền cho du khách đến Vườn quốc gia Cát Bà.
Để đáp ứng công việc, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, những cán bộ kiểm lâm ở Cát Bà phải tự mày mò học thêm ngoại ngữ để có thể giao tiếp, hướng dẫn khách du lịch nước ngoài bảo vệ môi trường sinh thái khi tham quan du lịch tại vườn.
Phỏng vấn anh Đỗ Văn Đông, cán bộ kiểm lâm Eo Bùa:
“Vườn quốc gia Cát Bà là một điểm thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Lực lượng kiểm lâm vườn ngoài công tác tuần tra phải tự học thêm ngoại ngữ để làm công tác tuyên truyền pháp luật và giới thiệu cho du khách nước ngoài”.
Hiện nay, dù có nhiều khó khăn nhưng luôn phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc giữ rừng, giữ biển, góp phần không nhỏ cho việc bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học cho quần đảo Cát Bà, phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi tác động đến tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học.
Tình hình quản lý, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, các loài nguy cấp, đặc hữu tại Vườn quốc gia Cát Bà đã dần được phục hồi, ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của người dân được nâng lên. Riêng quần thể voọc Cát Bà có chiều hướng phát triển tốt, với sự giúp đỡ của Dự án bảo tồn voọc Cát Bà, đến nay quần thể voọc đã tăng về số lượng với khoảng 78 cá thể.