| Hotline: 0983.970.780

Phát triển du lịch song song với bảo vệ hệ sinh thái

Thứ Tư 18/10/2023 , 15:57 (GMT+7)

Hiện nay, việc đầu tư du lịch kết hợp gìn giữ, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên đang là hướng đi bền vững cho ngành du lịch tại quần đảo Cát Bà (Hải Phòng).

Hệ sinh thái ở quần đảo Cát Bà đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ sinh thái ở quần đảo Cát Bà đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Ảnh: Đinh Mười.

Kể từ khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận di sản thế giới, có thể nói, danh thắng này không ngừng được tôn vinh, giữ gìn nguyên trạng và đưa vào khai thác du lịch đi đôi với quản lý, bảo vệ.

Sánh ngang với vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà cũng sở hữu các giá trị tiêu biểu và đặc sắc. Đây là khu dự trữ sinh quyển nổi tiếng thế giới, khu vực rừng mưa nhiệt đới có khí hậu và môi trường trong lành, động thực vật phong phú và đặc trưng của rừng biển nhiệt đới, đồng thời đã được xây dựng thành Vườn quốc gia Cát Bà. 

Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, cho biết: “Trong quá trình hình thành và phát triển cũng như trong quá trình vận động của xã hội sẽ có sự tác động đến công tác bảo tồn. Trên cơ sở phát triển bền vững hệ sinh thái rừng, biển cũng như bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên trên quần đảo Cát Bà, đặc biệt đối với Vườn quốc gia Cát Bà, đồng thời phục vụ công tác phát triển du lịch, đơn vị đã xây dựng phương án quản lý rừng bền vững từ 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Cũng theo ông Thịu, quy hoạch phương án quản lý bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Cát Bà đã được thành phố phê duyệt. "Để phát triển du lịch thì chúng tôi sẽ báo cáo thành phố làm đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của Vườn quốc gia Cát Bà. Và trên cơ sở phương án quản lý rừng bền vững được TP phê duyệt cũng đã quy hoạch hơn 10 điểm với tổng diện tích trên 345ha phục vụ cho phát triển du lịch, nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia Cát Bà cũng như trên quần đảo Cát Bà để huy động các nguồn lực xã hội cũng như các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đến việc phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở Vườn quốc gia Cát Bà", ông Thịu thông tin.

Vườn Quốc gia Cát Bà là nơi cư trú của hàng nghìn loài động, thực vật được xếp vào diện nguy cấp, quý hiếm. Ảnh: Đinh Mười.

Vườn Quốc gia Cát Bà là nơi cư trú của hàng nghìn loài động, thực vật được xếp vào diện nguy cấp, quý hiếm. Ảnh: Đinh Mười.

Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà cho biết thêm, việc có quy hoạch sẽ là cơ sở để mang lại nguồn thu cho vườn. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ đúng với quy hoạch. Trong thời gian tới, sự phát triển của du lịch Cát Bà cũng như công tác bảo tồn sẽ gắn bó chặt chẽ với nhau.

Hiện nay, tại các điểm du lịch sinh thái trên khắp cả nước, việc làm tốt công tác bảo tồn đã giúp tăng lượng khách du lịch. Cùng với đó, các doanh nghiệp đầu tư cần tuân thủ các quy định cũng như các quy hoạch đề ra. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp người dân để nâng cao nhận thức, bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái. Từ đó, tạo nguồn thu, công ăn việc làm cho người dân.

"Khi người dân có công ăn việc làm, người dân có thu nhập, đời sống được nâng lên thì ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn cũng sẽ được nâng lên. Và hệ sinh thái cũng được bảo tồn, phát triển. Đây là vấn đề bền vững không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau. Và đối với trách nhiệm của vườn thì chúng tôi xác định gìn giữ hệ sinh thái này vì đây là giá trị đặc trưng, đặc sắc của Việt Nam. Người dân, chính quyền và du khách đến với quần đảo Cát Bà cần có trách nhiệm chung tay để bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ các nguồn gen động thực vật", ông Thịu nhấn mạnh.

Ông Trịnh Bá Dũng, Giám đốc Công ty Sao Đà Lạt, chia sẻ: "Việc tuyên truyền về các giá trị du lịch trên quần đảo Cát Bà đến với người dân, họ sẽ ý thức được tầm quan trọng của cảnh quan thiên nhiên, khiến họ giữ gìn những nét văn hóa bản địa, đồng thời phát huy được phong cách ẩm thực độc đáo của hòn đảo. Cách làm đó sẽ tạo nên thu nhập, sự giàu có cho người dân nơi đây".

Vẻ đẹp của quần đảo Cát Bà không thua kém vịnh Hạ Long. Ảnh: Nhật Quang. 

Vẻ đẹp của quần đảo Cát Bà không thua kém vịnh Hạ Long. Ảnh: Nhật Quang

Hiện nay, TP Hải Phòng đã có chiến lược phát triển du lịch bền vững. Cụ thể, thành phố đã xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn năm 2020-2025, tầm nhìn đến 2030.  Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hải Phòng, hiện nay, các doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch cần tuân thủ các quy định của địa phương, của chính quyền, có sự kết nối với cộng đồng địa phương.

"Khi họ chào bán sản phẩm cũng phải truyền tải được thông điệp bảo vệ môi trường đến với khách du lịch. Và bản thân khách du lịch khi đến đây được tiếp cận với các nội dung bảo vệ môi trường thì họ cũng sẽ làm tốt việc đấy", ông Tuấn Anh nói.

"Hiệp hội du lịch sẽ tích cực tuyên truyền đến với các hội viên để họ ngày càng có ý thức hơn trong việc đầu tư, xây dựng các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường cao, sẵn sàng để làm cho hệ sinh thái đẹp hơn thông qua ngôn ngữ của tự nhiên, thông qua cách giới thiệu quảng bá. Đó sẽ là sản phẩm du lịch chất lượng, và phát triển bền vững", Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hải Phòng chia sẻ.

Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch huyện Cát Hải Phạm Trí Tuyến cho biết, trong dịp nghỉ lễ 2/9/2023, du lịch Cát Bà đã đón và phục vụ khoảng 45.500 lượt khách tới tham quan, nghỉ dưỡng trên quần đảo, trong đó lượng du khách quốc tế chiếm 13,8% (khoảng gần 6.300 lượt).

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.