370 lô trái cây vi phạm quy định kiểm dịch thực vật. Nhiều hộ dân sống thấp thỏm dưới chân núi lở. Thả hàng ngàn con cua dưới tán rừng ngập mặn. Phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật hoang dã sang người.
370 lô hàng trái cây vi phạm quy định kiểm dịch thực vật
Thanh Thủy sx
Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, đến nay có trên 50 tỉnh, thành đã có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Tổng số lượng mã số vùng trồng trên toàn quốc đã cấp là gần 7.000 mã số và cơ sở đóng gói là hơn 1.600 mã số, với sản phẩm rất đa dạng từ trái cây tươi, rau quả, lúa gạo đến chè, hồ tiêu, cà phê...
Tuy nhiên, lo ngại các vi phạm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tính riêng 7 tháng đầu năm nay, đã phát hiện 370 lô hàng có đối tượng kiểm dịch thực vật, chủ yếu là chuối, thanh long, sau đó là xoài, sầu riêng, mít.
Căn nguyên của tình trạng này là việc kiểm soát tại gốc từ vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện các quy trình kỹ thuật một cách nghiêm ngặt theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Nhiều hộ dân sống thấp thỏm dưới chân núi lở
Lê Khánh sx
Nhiều năm qua, những hộ dân sống ở huyện miền núi Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) vô cùng bất an trước hiện tượng sạt lở núi mỗi khi mùa mưa bão đến. Vào năm 2022, tại tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, hàng trăm m3 đất đá, từ đỉnh núi Vang Cà Vãi bất ngờ đổ xuống trong đêm, vùi lấp nhiều công trình, tài sản của người dân, may mắn là không có thiệt hại về người.
Vậy nhưng, đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục triệt để trong khi chỉ còn vài tháng nữa là mùa mưa bão đã bắt đầu. Theo lãnh đạo UBND thị trấn Di Lăng, trên địa bàn thị trấn có 2 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở cao là ở Tổ dân phố làng Dầu và khu dân cư làng Bồ với 40 hộ dân cùng hơn 150 nhân khẩu.
Hiện các điểm sạt lở đã được đầu tư kinh phí san gạt, hạ thấp độ cao một bên núi khắc phục tạm thời nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn biến phức tạp, chưa đảm bảo an toàn. Do đó, tới đây, huyện Sơn Hà sẽ tiếp tục họp bàn để đưa ra phương án tối ưu nhất, giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Thả hàng ngàn con cua dưới tán rừng ngập mặn
(Lê Bình sản xuất)
Cũng tại Đồng Nai, sáng 24/8, Chi cục Thuỷ sản của tỉnh tổ chức thả hơn 250.000 con tôm giống, 6.500 con cá chẽm và 5.000 con cua đã được thả xuống bìa rừng Sác tại huyện Nhơn Trạch.
Theo ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai, việc lựa chọn hàng ngàn con cua giống và thả sát bờ rừng bởi loài này dễ thích nghi với môi trường rừng ngập mặn và sẽ sinh trưởng tốt, tránh được những thiên địch tự nhiên. Hoạt động nhằm cân bằng hệ sinh thái tại khu vực này, giúp phục hồi hệ sinh vật tại khu vực.
Trước đó, Sở NN-PTNT Đồng Nai cũng phối hợp với Tổ Đình Long Thiền tổ chức Hội nghị tuyên truyền và thả cá phóng sinh hơn 307.000 cá thể giống thủy sản bản địa trên sông Đồng Nai.
Phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật hoang dã sang người
Minh Sáng sx
Tại Hội thảo chia sẻ kết quả triển khai thí điểm an toàn sinh học trong nuôi thương mại động vật hoang dã ở Đồng Nai, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, chăn nuôi động vật hoang dã cũng là lợi thế của tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 700 cơ sở chăn nuôi, với 73 loài khác nhau.
Hàng năm Sở NN-PTNT Đồng Nai cùng các địa phương đã có kế hoạch phòng, chống dịch trên đàn vật nuôi của tỉnh. Đến nay, Dư án Chiến lược dự phòng tác nhân lan truyền dịch bệnh đã triển khai được nhiểu nội dung và đạt được những kết quả ban đầu, như thực hành một số biện pháp an toàn sinh học trong nuôi động vật hoang dã, tập huấn chuyên môn kĩ thuật cho cán bộ chủ chốt trong lĩnh vực quản lý nuôi động vật hoang dã, cho các trại nuôi tình nguyện tham gia thử nghiệm thực hành; tạo điều kiện gắn kết các ngành, các mắt xích trong công tác phòng chống dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật.