Gỡ vướng tạm thời thủ tục kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản. Giá cá tra nguyên liệu tăng mạnh lên 34.000 đồng/kg. Nghêu Việt Nam được ưa chuộng tại EU. Măng cụt Thái Lan giá bán gấp đôi hàng Việt.
GỠ VƯỚNG TẠM THỜI THỦ TỤC KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG THỨC ĂN THỦY SẢN
Do “vênh” trong việc áp dụng chính sách về kiểm tra chất lượng đối với nguyên liệu thức ăn thủy sản, cả doanh nghiệp và cơ quan Hải quan đang gặp vướng. Nhiều lô hàng thức ăn thủy sản, doanh nghiệp đã có Giấy đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu có xác nhận của cơ quan kiểm tra nhưng chưa được thông quan hàng hóa do vướng mắc kết quả kiểm tra chất lượng.Để giải quyết vướng mắc, Tổng cục Thủy sản đã đề nghị cơ quan Hải quan thực hiện thông quan trên cơ sở giấy đăng ký kiểm tra chất lượng có xác nhận của cơ quan kiểm tra đối với các lô hàng thức ăn thủy sản áp dụng biện pháp 2b theo quy định tại điểm 2b Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018. Theo Tổng cục Hải quan, để có căn cứ thực hiện thống nhất về việc thông quan đối với thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan những bất cập nêu trên và có hướng dẫn để cơ quan Hải quan và doanh nghiệp thực hiện.
GIÁ CÁ TRA NGUYÊN LIỆU TĂNG MẠNH LÊN 34.000 ĐỒNG/KG
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, giá cá tra nguyên liệu cỡ 0,7 - 0,8 kg/con dao động ở mức 31.000 - 32.500 đồng/kg; cỡ 1 - 1,2 kg/con dao động mức 32.000 - 34.500 đồng/kg, tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021. Giá cá nguyên liệu tăng mạnh kéo giá cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng tăng lên mức từ 3,2 - 3,4 USD/kg.Giá cá tra nguyên liệu tăng giúp cho người nuôi có động lực thả nuôi trở lại, tuy nhiên chi phí thức ăn, con giống, nguyên vật tư đầu vào cũng tăng. Diện tích thả nuôi mới cá tra tính đến hết tháng 3, chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nguồn cung cá tra sẽ khan hiếm kèo dài tới ít nhất quý II/2022.
NGHÊU VIỆT NAM ĐƯỢC ƯA CHUỘNG TẠI EU
Quý đầu năm nay, top các thị trường NK nghêu lớn nhất của Việt Nam gồm EU, Mỹ, Hàn Quốc. XK sang các thị trường đều tăng trưởng dương trừ Bồ Đào Nha giảm 9% và Nhật Bản giảm 18%. Các thị trường NK nghêu của Việt Nam lớn nhất trong khối EU gồm Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Bỉ.Quý I/2022, Italy là thị trường đơn lẻ NK nghêu lớn nhất của Việt Nam, với 6,4 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường còn lại đều tăng trưởng 2 con số từ 33%-45%.Lạm phát, giá cả thực phẩm tăng cao tại EU khiến mặt hàng nghêu Việt Nam càng nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng và các nhà nhập khẩu tại EU. Cùng với những ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu nghêu Việt Nam sang thị trường EU trong năm nay dự kiến sẽ tăng trưởng tốt.
MĂNG CỤT THÁI LAN GIÁ BÁN GẤP ĐÔI HÀNG VIỆT
Tại một số chợ ở TP.HCM, măng cụt loại 1 được dán nhãn xuất xứ Thái Lan, giá 195.000 đồng một kg, cao nhất trong 5 năm qua. Mọi năm, măng cụt Thái loại 1 chỉ 80.000-100.000 đồng một kg, loại 2 là 40.000-60.000 đồng.Mức giá này cũng đắt gấp đôi măng cụt Việt Nam. Hiện, măng cụt Lái Thiêu được bán tại TP.HCM với giá 95.000 đồng, măng cụt Đồng Nai khoảng 85.000 đồng. Măng cụt Việt Nam tại chợ truyền thống hầu như chưa có.Giá măng cụt tăng mạnh do đầu mùa nguồn cung ít mà nhu cầu tăng vọt. Đồng thời, năm nay chi phí vận chuyển đắt gấp 2-3 lần, đẩy giá bán măng cụt tăng đột biến.