Tỉnh Đồng Nai chỉ đạo không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Ngành chăn nuôi Đồng Nai phải phát triển đồng bộ và gắn với môi trường xanh, đảm bảo không gian sống cho tất cả mọi người. Môi trường có ổn định, trong lành thì mới thu hút đầu tư, phát triển.
Tỉnh Đồng Nai có hàng trăm cơ sở chăn nuôi buộc phải ngưng hoạt động để đầu tư hệ thống xử lý nước thải đảm bảo với môi trường.
Đây là những hình tại nhiều trang trại nuôi heo, gà trên địa bàn thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai trong thời gian qua. Nước thải chăn nuôi chưa được xử lý, để tràn ra các hệ thống sông suối, ao hồ suốt nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường.
Đồng Nai có 1.457 cơ sở chăn nuôi tập trung và gần 22.300 cơ sở chăn nuôi nông hộ với hai vật nuôi chủ lực là heo và gà. Tổng đàn heo là khoảng 2,5 triệu con và 26 triệu con gà. Ngành chăn nuôi nói riêng đang đóng góp lớn vào phát triển kinh tế chung của Đồng Nai. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần phải giải quyết.
Mùi hôi thối từ chăn nuôi không chỉ tấn công không gian sống mà nước thải chăn nuôi còn tràn ra sông, suối, ao hồ…Thậm chí, nước thải chưa được xử lý còn ngấm vào lòng đất, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm tại nhiều khi vực.
Dù đã bị phạt hành chính hơn 22 triệu đồng cách đây không lâu vì để nước thải chăn nuôi chưa xử lý chảy ra suối. Hộ chăn nuôi lại bị phát hiện xả nước thải trực tiếp ra suối gây ô nhiễm môi trường.
Phỏng vấn Ông Nguyễn Xuân Lộc - Quản lý trang trại heo tại xã Hưng Lộc, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai: “Tôi có xả mấy hôm nay đầy từ hầm này qua hầm kia, bò đi ngang qua vớ phải co nối, đoàn kiểm tra xã Hưng Lộc vào tôi cũng trình bày như vậy. Chăn nuôi giờ có được bao nhiêu đâu”.
Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước ở các hồ chứa của trang trại đi phân tích. Địa phương cũng đã yêu cầu chủ trang trại ngưng chăn nuôi, tiến hành khắc phục không xả thải trực tiếp ra môi trường; thực hiện lót các bạt đáy, các hố chứa đất lộ thiên, hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải đúng quy định.
Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai là bảo vệ môi trường, giúp cho kinh tế phát triển bền vững. Do đó, từ ngày 13/4/2023, UBND Đồng Nai đã ban hành kế hoạch để kiểm tra các cơ sở chăn nuôi nhằm đảm bảo môi trường trên phạm vi toàn tỉnh.
Phỏng vấn Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Mật độ chăn nuôi của Đồng Nai cũng khá lớn. Vì vậy tất cả các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường phải được tuân thủ. Nếu mà không tuân thủ thì nó gây ô nhiễm rất lớn.
Trong 5 tháng kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, Đồng Nai tổ chức nhiều đoàn kiểm tra với 2 cấp: tỉnh và huyện. Với đoàn kiểm tra cấp tỉnh sẽ do các Sở, ngành và công an tỉnh Đồng Nai thực hiện. Tại huyện sẽ do UBND huyện và các phòng, ban thực hiện.
Kết quả, các đoàn đã triển khai kiểm tra hơn 9.000 trang trại chăn nuôi trên toàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương khẩn trương kiểm tra, có giải pháp xử lý đối với các cơ sở vi phạm. Các cơ quan thẩm quyền đã ban hành quyết định xử phạt 164 cơ sở, tổng số tiền phạt là hơn 6,1 tỷ đồng, kèm theo đình chỉ 14 cơ sở có thời hạn.
Đồng thời, có 328 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi lớn. Các trang trại nằm hầu hết tại TP Long Khánh và các huyện, trừ TP Biên Hòa.
Huyện Thống Nhất là một trong hai huyện có số lượng trang trại và tổng đàn vật nuôi lớn nhất của tỉnh Đồng Nai, với 1.200 cơ sở chăn nuôi và 432 trang trại. Từ đầu năm đến nay, huyện Thống Nhất đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở chăn nuôi.
Ông Nguyễn Đình Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai: Chúng tôi phải xác định chăn nuôi phải đáp ứng an toàn về công tác dịch bệnh, môi trường và an toàn bền vững. Có nhiều cơ sở để hẳn nước thải ra suối, môi trường gây bức xúc, ảnh hưởng lớn đến môi trường, đặc biệt là sức khỏe người dân. Qua đó chúng tôi phát hiện và xử phạt 99 trang trại, cơ sở chăn nuôi vi phạm với số tiền là hơn 2 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Thống Nhất đã có hàng trăm cơ sở chăn nuôi phải tạm ngưng hoạt động để đầu tư lại hệ thống xử lý nước thải để tuân thủ quy định đảm bảo môi trường.
Anh Phan Tú - Xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai: Hệ thống xử lý nước thải lúc đó là qau biogas và hồ lắng thứ 4, khi mình tưới cho cây nông nghiệp là mình tưới thêm nước vô cho nó loãng ra bớt, rồi mình xử lý vôi. Sau khi bị Phòng TNMT huyện nhắc nhở, xử phạt hệ thống xử lý nước thải đạt quy trình mới. Nếu mà muốn gắn bó với ngành chăn nuôi là phải đầu tư.
Đồng Nai phát triển công nghiệp, Dịch vụ - thương mại, Du lịch và du lịch đều có sự hỗ trợ lẫn nhau. Do đó, tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều phải gắn liền với môi trường.
Phỏng vấn Ông Võ Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Tỉnh Đồng Nai vẫn còn rất nhiều trang trại chưa tuân thủ quy định về môi trường cũng đã được xử phạt và làm việc với các công ty có hợp đồng với người dân để triển khai thực hiện cái này. Từ đó, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai sẽ có những tiếp tục theo dõi chỉ đạo để làm sao việc phát triển kinh tế gắn với môi trường, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phát triển chung bền vững kinh tế của Đồng Nai.
Tỉnh Đồng Nai đang thể hiện quan điểm cứng rắn không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Ngành chăn nuôi Đồng Nai phải phát triển đồng bộ và gắn với môi trường xanh, đảm bảo không gian sống cho tất cả mọi người. Môi trường có ổn định, trong lành thì mới thu hút đầu tư, phát triển.