Theo đó, tại Đồng Nai có 328 trang trại nuôi gia công đang hoạt động nhưng chưa được cấp thủ tục môi trường. Tất cả các huyện và TP Long Khánh (trừ Biên Hòa) đều có trang trại vi phạm.
Hầu hết các trang trại bị nhắc đến trong báo cáo đều đang nuôi gia công cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn.
Đây là kết quả sau 4 tháng triển khai kế hoạch tổng kiểm tra gần 9.850 trang trại chăn nuôi trên toàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương khẩn trương kiểm tra, có giải pháp xử lý đối với các cơ sở vi phạm.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cũng đề nghị UBND các huyện và TP Long Khánh khẩn trương kiểm tra, có giải pháp xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi nêu trên mà không có thủ tục môi trường.
Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh sẽ mạnh tay và kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình vi phạm, xả thải ra môi trường.
"Đồng Nai cần phát triển hài hòa, không đánh đổi kinh tế bằng mọi giá. Sắp tới đây, tỉnh sẽ có những phát triển khác và Cảng hàng không quốc tế Long Thành... sẽ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đảm bảo an toàn môi trường nhằm phát triển bền vững, thu hút đầu tư và bảo vệ những điều tốt đẹp cho tương lai", ông Võ Văn Phi chia sẻ.
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với 1.457 cơ sở chăn nuôi tập trung và 22.298 cơ sở chăn nuôi hộ nhỏ lẻ, với 2 loại chính là heo và gà. Tổng đàn heo là 2,5 triệu con còn gà là 26 triệu con. Chăn nuôi đóng tỉ trọng cao trong cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp của Đồng Nai. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành chăn nuôi gây ra nhiều hệ lụy, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tháng 2/2023, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định di dời hơn 3.000 trang trại chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Chậm nhất trước ngày 31/12/2024, các cơ sở chăn nuôi này phải di dời đến nơi mới hoặc tự chấm dứt hoạt động.