Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp cảnh giác đơn hàng lớn bất thường. Cherry ngoại giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam. Mật ong Đắk Lắk gặp khó chưa từng có. Lúa mì ghi nhận mức tăng cao nhất trong sáu thập kỷ.
HIỆP HỘI ĐIỀU KHUYẾN NGHỊ DOANH NGHIỆP CẢNH GIÁC VỚI ĐƠN HÀNG LỚN BẤT THƯỜNG
Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội điều Việt Nam - Vinacas, 36 container chở hạt điều, trị giá trên 7 triệu USD của 17 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều nước ta đã mất quyền kiểm soát, cũng như có nguy cơ mất trắng do không lấy lại được chứng từ gốc khi cập cảng Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Điểm chung của tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu điều đi Italy lần này là đều thông qua công ty môi giới Kim Hạnh Việt do một phụ nữ Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ đứng tên, người bán không biết thông tin về người mua và cùng chọn ủy nhiệm thu cho 5 ngân hàng Việt Nam thông qua phương thức nhờ thu trả tiền trao chứng từ. Theo đó người nhập khẩu chỉ lấy được bộ chứng từ khi đã chuyển vào ngân hàng đủ số tiền thanh toán. Hình thức nhờ thu này được áp dụng trong trường hợp thanh toán trả ngay. Phương thức này tuy thuận tiện nhưng cũng có tính rủi ro cao khi người bán phải thông qua ngân hàng mới khống chế được quyền định đoạt hàng hóa của người mua, chứ chưa thực sự khống chế được việc trả tiền của người mua. Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, hình thức lừa đảo chiếm đoạt chứng từ gốc tuy không mới, nhưng luôn là cạm bẫy tiềm ẩn đối với các doanh nghiệp non trẻ bị mất cảnh giác khi gặp đơn hàng lớn. Thông qua vụ việc trên, Vinacas cũng khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên tìm hiểu kỹ thông tin, mức độ uy tín của người môi giới và doanh nghiệp mua hàng trước khi thực hiện các giao dịch mua bán để tránh các rủi ro tương tự. Nếu gặp phải trường hợp có dấu hiệu chiếm đoạt chứng từ, các doanh nghiệp cần báo ngay cho các hãng tàu đề nghị dừng vận chuyển hàng, không cho khách dỡ hàng. Làm việc ngay với Thương vụ Việt Nam, thậm chí báo cảnh sát để vào cuộc tìm hiểu, điều tra vụ việc.
CHERRY NGOẠI GIÁ RẺ Ồ ẠT VÀO VIỆT NAM
Ngoài cherry Mỹ và Australia, năm nay cherry của Chile, New Zealand cũng ồ ạt vào Việt Nam với giá giảm mạnh. Ghi nhận tại các cửa hàng trái cây, giá cherry hiện giảm khoảng 5-10% so với năm ngoái. Mỗi kg cherry nhập từ Mỹ chỉ khoảng 500.000 đồng. Ngoài ra, cherry Chile cũng đang được nhập mạnh vào Việt Nam với giá bán lẻ từ 200.000-300.000 đồng/kg.Theo Daily Mail, các lô hàng cherry từ Chile, Australia sang Trung Quốc liên tục bị tiêu huỷ do trên bao bì sản phẩm này có dính Covid-19 khiến loại quả này phải giảm giá và rẽ sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
MẬT ONG ĐẮK LẮK GẶP KHÓ CHƯA TỪNG CÓ
Là một trong những địa phương có nghề nuôi ong mật thành công nhất cả nước, nhưng Đắk Lắk đang gặp khó khăn chưa từng có bởi mật ong Việt Nam mới bị áp thuế chống bán phá giá tới hơn 400% tại thị trường Hoa Kỳ. Theo các hộ nuôi ong tại Đắk Lắk, giá mật ong hiện chỉ xấp xỉ 20.000 đồng/kg, thấp hơn mọi năm khoảng 8.000 – 10.000 đồng/kg, nhưng cũng rất khó tiêu thụ. Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội xuất khẩu mật ong Việt Nam cho biết, Trên 95% các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong ở Việt Nam đều xuất khẩu vào Hòa Kỳ. Với mức thuế trên 400% đối với mật ong Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ thì không một doanh nghiệp nào đứng vững được, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và hàng vạn người nuôi ong. Nếu tình hình này kéo dài đến tháng 4/2022 thì nhiều doanh nghiệp có thể phải đóng cửa, người nuôi phải bỏ nghề.
LÚA MÌ GHI NHẬN MỨC TĂNG CAO NHẤT TRONG SÁU THẬP KỶ
Giá lúa mì thế giới vừa ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 6 thập kỷ do xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuần qua giá lúa mì đã tăng tới 41%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Tại Sàn giao dịch nông sản Chicago đã tăng kịch trần trong 6 phiên liên tiếp, lên mức 12,94 USD/giạ. Theo các nhà phân tích, xung đột giữa Nga và Ukraine có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu. Khi Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Còn Ukraine cũng chiếm 25% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Năm 2021, Việt Nam nhập khẩu 4,67 triệu tấn lúa mì, trị giá trên 1,38 tỷ USD.