Hiệu quả kép từ nuôi xen ghép tôm sú, cua biển, cá đối mục. Nuôi tôm kết hợp thả cá rô phi xử lý nguồn nước. Nơi trồng hơn 20 loài sen kiểng phục vụ thị trường. Phân bón Cà Mau đưa nông dân 'tham quan nhà máy - gặt hái mùa vàng'.
Hiệu quả kép từ nuôi xen ghép tôm sú, cua biển, cá đối mục
Thanh Nga sx
Nhằm khai thác hiệu quả diện tích nước mặn lợ ven sông, thành phố Hà Tĩnh xây dựng mô hình nuôi xen ghép các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua biển, cá đối mục. Mới đây nhất, địa phương này thả nuôi mô hình đầu tiên tại xã Thạch Hưng với quy mô 1 ha.
Số lượng giống thả nuôi gồm 5 vạn con tôm sú, 5 nghìn con cá đối mục và 5 nghìn con cua xanh. Trong đó, tôm sú và cá đối mục sau khi ương trong ao gièo 1 tháng sẽ được thả vào ao nuôi chung với cua. Nhờ đặc tính hỗ trợ lẫn nhau nên khi áp dụng hình thức thả nuôi kết hợp các đối tượng trên cùng một diện tích sẽ giúp hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí thức ăn, tăng hiệu quả sản xuất, phục hồi môi trường vùng nuôi kém hiệu quả và nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Nuôi tôm kết hợp thả cá rô phi xử lý nguồn nước
Văn Vũ sx
Hiện nay, nhiều hộ dân nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở ấp Vĩnh Điền (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) kết hợp thả cá rô phi xử lý nước ao đã đem lại hiệu qủa tích cực và được xem là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.
Hình thức gồm nuôi mật độ thưa, nuôi xen ghép cá rô phi trong ao tôm, ương san, thả nuôi cuốn chiếu. Việc thả cá rô phi nhằm xử lý nguồn nước, tránh ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh lây lan từ bên ngoài vào ao nuôi.
Đối với tôm sú, thời gian nuôi thường kéo dài từ 5 - 6 tháng. Mật độ thả: 20 - 30/m2. Năng suất thu hoạch đạt từ 3,0 - 3,5 tấn/ha. Đối với tôm thẻ chân trắng, thời gian nuôi ngắn hơn (từ 3 - 3,5 tháng). Mật độ thả dày hơn tôm sú (từ 50 - 100 con/m2). Năng suất thu hoạch đạt từ 6 - 10 tấn/ha.
Nơi trồng hơn 20 loài sen kiểng phục vụ thị trường
Lê Hoàng Vũ
Nhằm đa dạng chủng loại sen đáp ứng nhu cầu của thị trường, thời gian gần đây, nông dân làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp không ngừng sưu tầm nhiều loại sen mới lạ trồng làm sen kiểng bán, đã giúp cho bức tranh làng hoa thêm đa dạng và tăng thu nhập cho người trồng.
Các hộ trồng sen cho biết, cây sen trồng khoảng hơn 2 tháng là có thể bán, hiện có hơn 20 chủng loại sen đang được bà con trồng gồm: sen Đồng Tháp, sen Thái, sen Nhật, Phượng hoàng, sen ngàn cánh… với nhiều màu khác nhau như: hồng, trắng, đỏ, vàng, phớt hồng…. Các chậu sen thông thường có giá bán từ 30.000 đồng/ chậu, loại đắt nhất là 500.000 đồng/ chậu.
Ngoài trồng theo đơn đặt hàng, năm nay bà con nông dân cũng chủ động về số lượng năm do năm nay tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ hội sen lần 2 với chủ đề “Rạng ngời sắc sen”, diễn ra từ ngày 16 đến 19/5/2024 tới.
PHÂN BÓN CÀ MAU ĐƯA NÔNG DÂN “THAM QUAN NHÀ MÁY – GẶT HÁI MÙA VÀNG”
Phát huy thành công và hiệu ứng tích cực năm 2023, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau tiếp tục triển khai chuỗi chương trình thực tế “Tham quan nhà máy – Gặt hái mùa vàng” năm 2024 dành cho bà con nông dân, các đại lý đồng hành.
Theo đó, công ty tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để gần 2.500 nông dân có cơ hội trải nghiệm trọn vẹn nguồn gốc phân bón cao cấp ngay tại nhà máy Đạm Cà Mau và NPK Cà Mau, đây là 2 nhà máy hiện đại, quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, sản xuất liên tục phục vụ nông nghiệp nước nhà.
Chương trình năm nay sẽ diễn ra liên tục với 12 đợt, kéo dài từ nay tới vụ Đông Xuân.
Phân bón Cà Mau được đánh giá cao khi tiên phong tổ chức đưa bà con nông dân tham quan nhà máy để nắm bắt quy trình sản xuất, “mục sở thị” hệ thống máy móc đồ sộ nhập khẩu từ châu Âu; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến từ Đan Mạch, Italy, Nhật Bản, đặc biệt là công nghệ NPK Cà Mau polyphosphate được sản xuất trên nền Urea hóa lỏng và dây chuyền hiện đại của nhà bản quyền Espindesa (Tây Ban Nha), từ chế biến tạo hạt đến đóng bao là một quy trình chi tiết hoàn chỉnh, đảm bảo độ mịn tan nhanh và không cô đặc, tạo yếu tố N cao và P hữu hiệu cao.