Nguồn cung gạo toàn cầu giảm. Khóa tập huấn Công tác lãnh đạo về phát triển bền vững và tín chỉ carbon. Hộ dân đầu tư gần 3 tỷ đồng nuôi hàu ven cửa sông. Ngành hàng sắn đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2030.
Nguồn cung gạo toàn cầu giảm
Văn Vũ sx
Ngày 26/4, tại thành phố Cần Thơ, Bộ công thương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, quý I/2024 và triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nguyên tắc điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024 Việt Nam đã xuất khẩu gần 2,2 triệu tấn nguồn cung gạo với trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng và tăng 45,6% về trị giá so với năm 2023.
Bên cạnh những thuận lợi, năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức: nguồn cung gạo toàn cầu giảm; tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp… dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.
Để đồng hành cùng ngành lúa gạo Việt Nam nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói riêng, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.
Khóa tập huấn Công tác lãnh đạo về phát triển bền vững và tín chỉ Carbon
Minh Sáng sx
Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH VOS GATC và Intertek Việt Nam tổ chức trực tiếp và trực tuyến khóa tập huấn “Công tác lãnh đạo về phát triển bền vững và tín chỉ Carbon” cho lãnh đạo các Sở NN-PTNT, các Chi cục PTNT và các đơn vị trực thuộc đến từ 24 tỉnh thành phía Nam.
Phát biểu khai giảng khóa tập huấn, TS.Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng nhà Trường cho biết: Hiện nay, nông nghiệp tái sinh (gồm Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh) và các biện pháp giảm phát thải CO2 trong sản xuất Nông - Lâm - Nghiệp hướng đến xây dựng nền kinh tế nông nghiệp bền vững hiện đang được Nhà nước và toàn xã hội quan tâm.
Theo đó, Khóa tập huấn giới thiệu về một số khung pháp lý, chương trình phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, gắn với giảm phát thải trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp Việt Nam nhằm bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo và các phòng tham mưu của Sở NN-PTNT kiến thức, thông tin và kỹ năng để phục vụ công tác tham mưu, lãnh đạo và triển khai sản xuất nông nghiệp bền vững, gắn tăng trưởng xanh, giảm phát thải.
Hộ dân đầu tư gần 3 tỷ đồng nuôi hàu ven cửa sông
Tâm Phùng – Tâm Đức sx
Gia đình ông Lưu Đức Bình (ở thôn 7, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), đã mạnh dạn đầu tư nuôi hàu sữa loại nhỏ ở ven bờ sông Gianh, đoạn gần cửa biển.
Theo đó, gia đình ông Bình làm 7 lồng bè với hệ thống cây luồng kết dày và được nâng nổi trên mặt nước với hệ thống phao nổi. Mỗi lồng bè có diện tích khoảng 1.000m2, tổng diện tích mặt nước hơn 14.000 m2.
Theo ông Bình, mỗi lồng bè được thả khoảng 15.000 dây nhựa có độ dài trên 1m, nối với các ống luồng trên mặt nước. Mỗi dây gắn 20-25 con hàu giống để nuôi. Hàu giống đã được thả nuôi 3 tháng, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Hiện các lồng bè nuôi hàu đang phát triển tốt, tỷ lệ hàu sống cao. Dự kiến mỗi chu kỳ thả giống và thu hoạch hàu trong thời gian 7 tháng.
Chi cục Thủy sản Quảng Bình cũng đã hỗ trợ gia đình ông Bình về kỹ thuật nuôi hàu, liên kết với doanh nghiệp thu mua để đảm bảo đầu ra.
Ngành hàng sắn đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD vào năm 2030
Minh Phúc sx
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050', trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn vượt 12 triệu tấn, xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
Bộ NN-PTNT cho biết, việc phê duyệt đề án được đánh giá là phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược trồng trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài ra còn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng địa phương, trọng tâm là điều kiện đất đai, định hướng cơ cấu cây trồng, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đề án sẽ góp phần đẩy mạnh khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến sắn, ưu tiên công tác giống và kỹ thuật canh tác, thúc đẩy chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.