Hoàn thiện 8 Nghị định thư xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Thu hồi giấy phép cơ sở sản xuất, buôn bán vacxin, thuốc thú y lậu. Xuất khẩu nông lâm thủy sản tận dụng tối đa 15 Hiệp định thương mại. Giá lợn hơi dự báo tiếp tục tăng đến cuối năm.
HOÀN THIỆN 8 NGHỊ ĐỊNH THƯ XUẤT KHẨU TRÁI CÂY SANG TRUNG QUỐC
Hiện nay, Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, trong đó 3 loại trái cây đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật gồm măng cụt, chanh leo, sầu riêng.8 loại trái cây truyền thống của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (gồm chuối, xoài, vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, mít và chôm chôm) chưa ký Nghị định thư.Theo Cục Bảo vệ thực vật, Cục đang khẩn trương phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đàm phán trao đổi kỹ thuật, tiến hành xây dựng các Nghị định thư đối với 8 loại quả xuất khẩu truyền thống. Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật việc ký nghị định thư 8 loại loại quả xuất khẩu trên nguyên tắc không phát sinh thêm thủ tục, quy định mới.Việc ký kết Nghị định thư đem lại nhiều kết quả rất tích cực vì toàn bộ việc buôn bán sẽ thông qua hợp đồng. Điều đó sẽ giúp ổn định đầu ra, tránh bị thương lái ép giá, nếu hàng hoá không đảm bảo chất lượng như đã ký kết trong hợp đồng đối tác cũng có thể từ chối nhận hàng.
THU HỒI GIẤY PHÉP CƠ SỞ SẢN XUẤT, BUÔN BÁN VACXIN, THUỐC THÚ Y LẬU
Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra buôn bán, sử dụng thuốc, vacxin thú y không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, trong đó có vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, vacxin Dịch tả lợn Châu Phi. Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp, ban, ngành liên quan, chủ động lập kế hoạch thanh, kiểm tra về buôn bán, sử dụng thuốc thú y, tích cực đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển trái phép thuốc, vacxin thú y qua biên giới, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy phép, chứng chỉ hành nghề, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; thông báo danh tính của doanh nghiệp và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân liên quan.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản” tại TP. HCM ngày 26/7, ông Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển nông sản vùng I (Bộ NN-PTNT) cho rằng: Việt Nam hiện đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng, thế mạnh ngành hàng nông lâm thủy sản. Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu đạt gần 28 tỷ USD sau 6 tháng đầu năm 2022, tăng gần 14% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, ông Tú và các đại biểu đều cho rằng, doanh nghiệp trong nước phải đặc biệt lưu ý việc liên kết và đồng bộ giải pháp để tận dụng tối đa lợi thế các EVFTA, RCEP mang lại. Trong đó, cần chủ động tìm hiểu thông tin, nắm vững cam kết của các bên, nhất là những thông tin về ưu đãi thuế quan, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, dư lượng và an toàn thực phẩm để xuất khẩu nông lâm thủy sản bền vững.
GIÁ LỢN HƠI DỰ BÁO TIẾP TỤC TĂNG ĐẾN CUỐI NĂM
Theo Cục Chăn nuôi - Bộ NN-PTNT, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về bình ổn cung cầu thịt lợn, đơn vị đã khảo sát tại một số địa phương và nhận thấy có tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ. Theo đó, Cục Chăn nuôi dự báo, từ nay đến cuối năm, giá lợn hơi có thể tiếp tục duy trì ở mức cao, dao động 69.000 - 75.000 đồng/kg và khó quá 80.000 đồng/kg. Hiện Cục Chăn nuôi đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các tỉnh phía Bắc và Ban chỉ đạo 389 kiểm tra, siết chặt vấn đề lợn xuất lậu sang Trung Quốc.