| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu nông lâm thủy sản tận dụng tối đa 15 hiệp định thương mại

Thứ Ba 26/07/2022 , 17:14 (GMT+7)

Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 đạt kết quả tích cực, song các doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn, thách thức lớn cần tháo gỡ.

Tọa đàm nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tọa đàm nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chia sẻ tại tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản” ngày 26/7 tại TP. HCM, ông Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển nông sản vùng I (Bộ NN-PTNT) cho biết, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, xung đột chính trị, song 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 28 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ 2021. 

Theo ông Tú, đây là tín hiệu tích cực, khẳng định vị thế của nông lâm thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, sau khi nước ta đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng, thế mạnh ngành hàng nông lâm thủy sản.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nông, lâm, thủy sản Việt Nam đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỉ USD, như: cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra…

Ông Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển nông sản vùng I, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển nông sản vùng I, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Bùi Hoàng Yến, Tổ phó Tổ Công tác phía Nam, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho cho rằng, các doanh nghiệp đặc biệt lưu ý các giải pháp để tận dụng lợi thế các EVFTA mang lại. Cần chủ động tìm hiểu thông tin để nắm vững cam kết của EU, thông tin về ưu đãi thuế quan.

Theo bà Yến, doanh nghiệp phải xác định quy mô sản xuất theo từng ngành hàng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như đảm bảo chất lượng đồng đều. Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo chuỗi giá trị, từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang sản phẩm chế biến.

Từ sản phẩm chế biến đơn giản sang chế biến sâu, từ sản phẩm giá trị gia tăng thấp sang sản phẩm giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất, quy trình sản xuất, phương thức quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực.

Tăng cường liên kết khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với sản xuất sản phẩm cuối, giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp trong nước với FDI; Áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, môi trường.

Ông Đinh Viết Tú cho biết thêm, đối với một số sản phẩm ưu tiên thực hiện chỉ dẫn địa lý và đặc biệt đáp ứng được mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phù hợp với các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, từ đó, tăng cường sức mạnh, chủ động trong nguồn nguyên liệu, nâng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đặc biệt, đầu tư đích đáng cơ sở chế biến, kho bãi bảo quản nông, thủy sản.

"Việt Nam hiện có trên 7.500 doanh nghiệp có cơ sở chế biến sâu. Tuy nhiên, lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam là rất lớn, công suất nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tình trạng hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt vào mùa vụ hay bị ứ đọng, máy chạy không kịp”, ông Tú nhận định.

Tổ chức vùng nuôi tôm theo chuỗi liên kết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tổ chức vùng nuôi tôm theo chuỗi liên kết. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Tú khuyến nghị, doanh nghiệp nên tập trung ưu tiên chú trọng xây dựng phát triển thương hiệu, tránh tình trạng bị gian lận thương mại. Chú trọng tập trung sản xuất sản phẩm có chất lượng, bởi đây là vấn đề cốt lõi.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần nghiên cứu tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản. 

Về phía địa phương, đào nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc tổ chức quản lý điều hành sản xuất. Phát triển logictis để giảm bớt khó khăn, thách thức trong vấn đề vận tải. Ngoài vấn đề hỗ trợ trong nước, các đơn vị cần tham mưu cho tỉnh có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư để mở rộng vùng sản xuất.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do, vì vậy, muốn cạnh tranh chất lượng với các nước có sản phẩm như Việt Nam phải nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2024: Biến động nhẹ sau kỳ nghỉ lễ

Giá xăng dầu hôm nay 2/5/2024 tăng giảm trái chiều. Trong đó, giá xăng RON 95-III tăng 40 đồng, còn giá dầu biến động nhẹ từ 110 - 260 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.