Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch cảng cá trước 20/4. Nông sản Việt chiếm thị phần lớn tại Nhật Bản. Áp lực thiếu giống sắn sạch bệnh đè lên vai nông dân. Giá tiêu Việt Nam xuất khẩu giảm 50 USD/tấn.
HOÀN THIỆN HỒ SƠ QUY HOẠCH CẢNG CÁ TRƯỚC NGÀY 20/4
Bộ NN-PTNT và UBND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo góp ý về dự thảo quy hoạch cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050.Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo Tổng cục Thủy sản cùng các đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch cảng cá, xong trước ngày 20/4 để trình Hội đồng thẩm định Quốc gia xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, việc xây dựng quy hoạch phải phân tích 1 cách kỹ lưỡng, toàn diện, đánh giá các yếu tố tác động, có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch và phải có tính kế thừa cũng như đột phá trong tư duy.Theo dự thảo, đến năm 2030, toàn quốc có 157 cảng cá gồm 33 cảng cá loại I, 75 cảng cá loại II, 49 cảng cá loại III, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,7 triệu tấn/năm và 152 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng gần 88.900 tàu thuyền.
NÔNG SẢN VIỆT NAM CHIẾM THỊ PHẦN LỚN TẠI NHẬT BẢN
Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, hạt điều là một trong những mặt hàng nông sản Việt Nam đã chiếm được thị phần lớn tại thị trường Nhật Bản, chiếm hơn 42%.Các nhà nhập khẩu Nhật Bản đang quan tâm ngày càng nhiều tới hạt điều Việt Nam. Nhiều nhóm hàng, mặt hàng nông sản khác của nước ta cũng đã chiếm thị phần cao ở quốc gia này như: chuối sấy chiếm 78,5%; nhóm trái cây vải, nhãn, chôm chôm, chiếm 43%; sầu riêng chiếm 46,2%;…..Với dân số 126 triệu người, thu nhập bình quân đầu người cao top đầu thế giới, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn với hàng nông, thủy sản, thực phẩm nhập khẩu. Hiện nay, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: thủy sản, thịt, cà phê và các sản phẩm chế biến từ đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi.
ÁP LỰC THIẾU GIỐNG SẮN SẠCH BỆNH ĐÈ LÊN VAI NÔNG DÂN
Tây Ninh được mệnh danh là thủ phủ sắn trong cả nước, với tổng diện tích trồng hằng năm đạt trên 50.000 ha. Tuy nhiên trong 3 năm gần đây, trên 90% tổng diện tích trồng sắn bị bệnh khảm lá khiến cho sản lượng và chất lượng tinh bột của cây sắn bị giảm đáng kể. Hiện nay, việc thiếu nguồn giống sắn sạch bệnh đang là áp lực đè nặng lên đôi vai những người nông dân trồng sắn ở Tây Ninh.Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện nhu cầu giống sắn ở tỉnh Tây Ninh rất lớn, địa phương vẫn tồn tại khoảng 80 điểm bán giống tự phát, chưa rõ nguồn gốc tại các huyện như Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu. Do việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn, bởi người dân thường đa số chủ yếu mua bán giống theo kiểu tự phát hoặc sang tay qua thương lái tại đồng sau khi thu hoạch.Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh, thời gian vừa qua đơn vị này đã tăng cường liên kết, phối hợp với các đơn vị như Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc Đồng Nai, Viện Di truyền Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên tục thực hiện các đề tài, dự án để tìm ra những bộ giống mới thích ứng vùng đất Tây Ninh và kháng được bệnh khảm có năng suất và chữ bột tốt nhất.
GIÁ TIÊU VIỆT NAM XUẤT KHẨU GIẢM 50 USD/TẤN
Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế vừa điều chỉnh giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giảm 50 USD/tấn, tương đương 5.940 USD/tấn với triêu trắng, 3.940 USD/tấn với tiêu đen.Trong khi đó, giá tiêu có xu hướng ổn định ở các nước Đông Nam Á khác, giảm nhẹ ở Brazil đồng thời tăng tại Ấn Độ.Đầu tháng 4/2022, xu hướng giá tiêu vẫn giữ ổn định ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg, dù có 1 đợt giảm 1.000 đồng/kg đầu tuần này. Theo các chuyên gia, xu hướng giảm giá được dự báo nếu có xảy ra sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, bởi chí phí sản xuất, từ phân bón, xăng dầu, công thu hái tăng cao. Trong khi đó thời tiết diễn biến bất thường khiến sản lượng hạt tiêu giảm.