Bị thu hồi đất nông nghiệp có thể được bồi thường bằng đất ở, nhà ở. Trấn Yên trồng sen làm du lịch. Thừa Thiên - Huế yêu cầu xây dựng lại cơ cấu cây trồng ứng phó khô hạn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tìm lại ngôi vương.
Bị thu hồi đất nông nghiệp có thể được bồi thường bằng đất ở, nhà ở
Minh Phúc khai thác
Theo Luật Đất đai năm 2024, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp có thể được bồi thường bằng đất ở, nhà ở nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất ở, nhà ở.
Cụ thể, Điều 96 Luật Đất đai 2024 đã quy định bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình. Theo đó: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 95 của Luật này thì được bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.
Trấn Yên ra quân trồng sen làm du lịch
Thanh Tiến
Huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vừa tổ chức chương trình trồng sen làm du lịch tại xã Vân Hội.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” được triển khai hàng tháng trên địa bàn. Trong chương trình, lãnh đạo huyện và người dân sở tại tham gia trồng mới 3 ha sen ở thôn Minh Phú, xã Vân Hội. Với các giống sen mới như Super, Quan âm trắng, Bách Diệp (Tây hồ). Đây là các giống sen nổi tiếng ở các vùng, miền, thích hợp với trồng ở ao, hồ, ruộng trũng. Đặc điểm chính của các giống sen này là bông to, thơm, không tốn diện tích, có thể trồng 2.000 mắt/ha. Hoa bền đẹp, thời gian ra hoa kéo dài hơn giống bản địa từ 3-4 tháng; ngoài việc trồng sen để phát triển du lịch, thì người trồng sen có thêm nhiều nguồn thu nhập từ ướp trà, bán hoa, ngó sen, cây giống, lấy lá làm trà…
Trong năm 2024, huyện Trấn Yên phấn đấu trồng 25 - 30ha sen ở các xã như: Vân Hội, Việt Cường, Minh Quân, Bảo Hưng… với mục tiêu tạo cảnh quan thu hút khách du lịch.
Thừa Thiên - Huế yêu cầu xây dựng lại cơ cấu cây trồng ứng phó khô hạn
Công Điền sx
Trước diễn biến khó lường của thời tiết ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu Sở NN-PTNT và các ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Một trong những giải pháp căn cơ hiện nay là chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho từng vùng đất, chân đất lúa có khả năng thiếu nước sang trồng loại cây cụ thể phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Đối với các vùng có khả năng thiếu nước, không tự chủ được nguồn nước phải chuyển đổi sang cây trồng khác, bố trí giống ngắn ngày hoặc bỏ hoang tránh gây thiệt hại.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tìm lại ngôi vương
Minh Phúc khai thác
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau chuỗi ngày giảm sâu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này đã có dấu hiệu tăng trở lại. Mặc dù mức tăng chưa cao nhưng đây là tín hiệu cho thấy thị trường gạo đang có triển vọng tốt hơn. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 19/4, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam tăng 4 USD, lên mốc 582 USD/tấn.
Cùng đà tăng có gạo của Thái Lan. Theo đó gạo cùng phẩm cấp của nước này hiện ở mức 579 USD/tấn (tăng 4 USD). Riêng gạo Pakistan ngược chiều giảm 6 USD, xuống còn 581 USD/tấn.
Với việc điều chỉnh này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lấy lại vị trí ngôi đầu khi cao hơn Thái Lan 3 USD và Pakistan 1 USD.