Dừa Bến Tre có thể thu về 30 triệu USD từ bán tín chỉ carbon. Nghệ An có trên 170.000 ha rừng trồng. Bừng sáng cùng Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Nghề làm bột gạo Sa Đéc được công nhận là Di sản văn hóa Quốc gia.
Dừa Bến Tre có thể thu về 30 triệu USD từ bán tín chỉ carbon
Khai thác
Từ giữa tháng 4, tỉnh Bến Tre đã bắt đầu thực hiện đánh giá tiềm tham gia thị trường carbon của tỉnh. Trong đó, nghiên cứu và xây dựng tín chỉ carbon tỉnh Bến Tre trong các lĩnh vực, tập trung cho đối tượng cây dừa. Trong xu thế phát triển bền vững và giảm phát thải, hiện nay thị trường tín chỉ carbon trở thành cơ hội hấp dẫn cho ngành nông nghiệp nói chung và các vùng chuyên canh dừa ở Bến Tre nói riêng.
Hiện, Bến Tre có hơn 79.000ha vườn dừa. Ước tính trung bình 1ha dừa có thể lưu giữ từ 25-75 tấn CO2. Với giá bán tín chỉ carbon thấp nhất là 5 USD/tấn CO2 như hiện nay, tỉnh Bến Tre có thể thu về 10-30 triệu USD từ cây dừa.
Nghệ An có trên 170.000 ha rừng trồng
Việt Khánh – Sx
Theo công bố số liệu hiện trạng rừng năm 2023, tỉnh Nghệ An có trên 1 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 58%. Hiện, các chủ thể tham gia quản lý bảo vệ rừng đang đối diện với nhiều áp lực khi rừng tự nhiên chiếm mức cao, đạt đến 790.000 ha.
Qua phân loại, Nghệ An chỉ có trên 171.000 ha rừng trồng, phân bổ chủ yếu tại các huyện Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Do thiếu hụt kinh phí trồng rừng gỗ lớn nên đồng bào vùng cao vẫn lựa chọn theo phương thức ngắn hạn, đối tượng chủ lực vẫn là cây keo, nứa, mét. Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết, tỉnh Nghệ An đã nhiều lần đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xem xét phương án chuyển đổi các diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt sang rừng trồng để nâng cao giá trị kinh tế.
Bừng sáng cùng Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long
Nguyễn Thành – Sx
Tối 28/4, tại khu du lịch Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh, Carnaval Hạ Long 2024 với chủ đề “Bừng sáng cùng Kỳ quan” lần đầu tiên được tổ chức trên biển, đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc mới lạ về vùng đất Quảng Ninh.
Đây cũng là lần đầu tiên Carnaval Hạ Long thể hiện bằng hình thức nghệ thuật sân khấu thực cảnh trên biển với sự tham gia của gần 2.000 nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ... kết hợp với nhiều công nghệ hiện đại như Drone light, pháo hoa, 3D mapping, LED, âm thanh, ánh sáng hiện đại...
Carnaval Hạ Long 2024 được đánh giá là có sự kiện có quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay, thu hút sự quan tâm của hàng vạn người dân, du khách trong nước và quốc tế.Carnaval Hạ Long 2024 là một trong những sự kiện đặc biệt trong chuỗi các hoạt động của mùa du lịch hè và hướng tới kỷ niệm 30 năm Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới.
Nghề làm bột gạo Sa Đéc – Được công nhận là Di sản văn hóa Quốc gia
Lê Hoàng Vũ – Sx
Tỉnh Đồng Tháp vừa tổ chức Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” xã Tân Phú Đông, Phường 2 và Khai mạc Lễ hội Hòa Bình thành phố Sa Đéc lần thứ III năm 2024.Nghề làm bột Sa Đéc trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển. Đến nay, thành phố Sa Đéc có hơn 160 hộ, cơ sở sản xuất, với hơn 1.000 lao động. Sản lượng bình quân trên 30.000 tấn bột/năm với nhiều sản phẩm sản xuất sau bột như: Hủ tiếu, bánh canh, nui, phở, bún, bánh tằm, ống hút gạo… góp phần cho thành phố Sa Đéc thu về trên 400 tỷ đồng/năm. Việc được công nhận Di sản văn hóa hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ mang đến niềm vui, niềm tự hào cho bà con làm bột Sa Đéc mà còn có ý nghĩa lan tỏa và nâng cao giá trị của Làng nghề bột gạo truyền thống, góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch và nâng cao hình ảnh địa phương.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và thành phố Sa Đéc đã tặng Bằng khen, Giấy khen cho nhiều tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển “Nghề làm bột gạo Sa Đéc”.