Nông dân bán rơm thu khoảng 3 triệu đồng mỗi ha. Kiên Giang cắt giảm hơn 700 tàu khai thác hải sản. TP.HCM cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tiến Nông đạt giải thưởng Thương hiệu mạnh ASEAN 2024.
Nông dân bán rơm thu khoảng 3 triệu đồng mỗi ha
Tâm Phùng – Tâm Đức sx
Trên địa bàn huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) nông dân đang vào vụ thu hoạch lúa đông- xuân. Một số bà con đã đầu tư mua máy cuộn rơm để thu gom rơm rạ trên đồng bán cho người có nhu cầu. Theo các chủ máy, mỗi ha ruộng lúa sau khi gặt sẽ cho thu hoạch khoảng 180- 200 cuộn rơm. Những chủ trang trại chăn nuôi, làm vườn, sản xuất nấm… có nhu cầu đặt mua với giá từ 15-20 ngàn đồng mỗi cuộn rơm, tùy theo chất lượng. Lúa trên đồng có năng suất cao thì rơm cuộn bán càng đắt giá. Trung bình, mỗi ha ruộng sau gặt bán rơm, nông dân thu về khoảng 3 triệu đồng. Những nơi chủ máy đến mua ruộng để thu hoạch bán rơm, sau khi trừ các chi phí nhân công, khấu hao máy, nhiên liệu… cũng còn lãi khoảng 7-8 ngàn đồng mỗi cuộn rơm.
Kiên Giang cắt giảm hơn 700 tàu làm nghề khai thác
Trung Chánh – Văn Vũ sx
Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái từ nay đến năm 2030, Kiên Giang tiếp tục cắt giảm, chuyển đổi hơn 700 tàu khai thác sang lĩnh vực ngoài khai thác.
Hiện tại, Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước, lúc cao điểm lên đến hơn 11.000 tàu. Theo đề án, từ nay đến năm 2025, sẽ cắt giảm, chuyển đổi khoảng 107 chiếc tàu làm nghề đánh bắt hải sản sang các nghề ngoài lĩnh vực đánh bắt xuống còn không quá 9.219 chiếc. Chuyển đổi 120 chiếc tàu hoạt động vùng khơi làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ và nghề đánh bắt ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi và môi trường sinh thái sang làm các nghề khai thác thủy sản được khuyến khích phát triển.
TP.HCM cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân
(NGUYỄN THỦY)
Qua kiểm tra tình hình khô hạn và sản xuất nông nghiệp trên địa huyện Củ Chi, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM đánh giá, nhờ hệ thống thủy lợi, cùng với nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng và nhà máy nước Kênh Đông đã cung cấp đầy đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Củ Chi.
Hiện người dân trên địa bàn vẫn tiếp tục sản xuất, đặc biệt là xuống giống, chuẩn bị cho vụ hè thu và không lo ngại về tình trạng thiếu nước trong mùa khô hạn năm nay.
Trước tình hình nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại nhiều tỉnh thành, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở NN-PTNT TP.HCM và các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động nạo vét các tuyến kênh, mương nội đồng bị bồi lắng, tắc nghẽn để khôi phục, tăng khả năng trữ nước. Đồng thời, tổ chức vận hành hợp lý các cống điều tiết để đảm bảo ngăn mặn, tiêu thoát nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong khu vực.
Tiến Nông đạt giải thưởng thương hiệu mạnh ASEAN 2024
Quốc Toản sx
Ngày 20/4/2024, Trung tâm Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp châu Á phối hợp cùng Hội Sáng chế Việt Nam và các đối tác tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN tại Marina Bay Sands, Singapore. Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức đã trao giải thương hiệu mạnh ASEAN 2024. Giải thưởng được hội đồng bình chọn xét duyệt trên 6 tiêu chí cốt lõi: Là thương hiệu uy tín đầu ngành tại thị trường ASEAN; sản phẩm, dịch vụ chất lượng và xuất khẩu, đang lưu hành trên thị trường quốc tế; chiến lược phát triển bền vững trên thị trường ASEAN; đóng góp quan trọng nền kinh tế khu vực ASEAN; trách nhiệm xã hội, cộng đồng; tuân thủ quy định về môi trường, hải quan, thuế,…
Tại diễn đàn này, Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông (Công ty Tiến Nông) vinh dự được bình chọn là thương hiệu mạnh ASEAN 2024. Phần thưởng trên đánh dấu bước tiến lớn trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, khẳng định sự tin tưởng của khách hàng đối với các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao mà Công ty Tiến Nông đem lại.