Nắng nóng 'thiêu đốt' vườn cà phê Đắk Nông. Cháy rừng ở biên giới Kiên Giang cơ bản được khống chế. Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản. Chuẩn bị tổ chức Lễ hội Trà tại Thái Nguyên.
Nắng nóng ‘thiêu đốt’ vườn cà phê Đắk Nông
Phương Chi khai thác
Hiện nay, giá cà phê tại tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch lên mức cao nhất lên tới 134.400 đồng một kg nhân.
Giá cà phê lập đỉnh mới mang đến nhiều hy vọng cho nông dân có nguồn thu nhập khá. Thế nhưng, nắng nóng, hạn đang thiêu đốt cà phê ở khắp vùng Tây Nguyên, không chỉ làm giảm năng suất mà có nguy cơ mất trắng nhiều diện tích.
Tại huyện Đắk Mil, vùng trọng điểm cà phê tỉnh Đắk Nông, kỷ lục về số ống tưới kéo từ hồ thủy lợi về vườn cây đã trên 100 cuộn, tương ứng với khoảng cách hơn 5km.
Cũng tại đây, giá mua nước tưới liên tục gia tăng, từ 120.000 đồng một giờ bơm cho từ 5 đến 7 m3 nước vào năm ngoái, tăng lên mức trên 300.000 đồng/giờ, thậm chí có nơi 500.000- 600.000 đồng.
Tổng hợp từ thống kê sơ bộ của các tỉnh Tây Nguyên, đến cuối tháng 4 đã có gần 20.000ha cây trồng, chủ yếu là cà phê bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Diện tích bị thiệt hại sẽ còn tăng nhanh do nắng nóng vẫn tiếp diễn. Toàn vùng cũng đã có hơn 100 công trình thủy lợi cạn kiệt nguồn nước, hàng loạt hồ thủy lợi đến mực nước chết.
Cháy rừng ở biên giới Kiên Giang cơ bản được khống chế
Văn Vũ sản xuất
Chiều ngày 30/4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiên Giang cho hay, đã cơ bản khống chế vụ cháy rừng tràm tại ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành thuộc địa bàn Sư đoàn 330 quản lý.
Lực lượng tham gia chữa cháy gồm 700 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 330, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, công an tỉnh và các lực lượng tại chỗ, 35 máy bơm nước chuyên dùng cùng nhiều thiết bị, phương tiện chuyên dụng.
Tuy đám cháy cơ bản được khoanh vùng, khống chế nhưng các lực lượng vẫn đang tiếp tục xử lý triệt để đám cháy, để đảm bảo an toàn cho người dân và rừng tram.
Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản
Nguyễn Thủy TP. HCM sản xuất
Hiện nay, TP. HCM có 300 hộ tham gia truy xuất nguồn gốc rau an toàn trên diện tích 122ha, sản lượng hơn 29 tấn/ngày.
Năm 2024, Sở NN-PTNT TP.HCM phối hợp với Sở An toàn thực phẩm TP.HCM và một số địa phương triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản.
Trong đó, TP.HCM sẽ phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị di động thông minh vào quản trị chuỗi sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản, sản phẩm OCOP.
Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt, hữu cơ, cấp mã số vùng nuôi trồng, mở rộng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản theo yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu.
Đồng thời, phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng blockchain từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Chuẩn bị tổ chức Lễ hội Trà tại Thái Nguyên
Quang Linh khai thác
Đã thành thông lệ, cứ 2 năm 1 lần, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên lại tổ chức Lễ hội Trà. Năm nay Lễ hội dự kiến được tổ chức đúng vào dịp huyện công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đại Từ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Lễ hội Trà năm nay sẽ được huyện Đại Từ tổ chức vào đầu tháng 5 với nhiều nội dung, chương trình đặc sắc, như: Tổ chức thi gian hàng và trình diễn nghệ thuật pha trà; trưng bày ảnh đẹp, không gian thưởng trà; tổ chức hội thi “Bàn tay vàng hái chè nhanh”, “Bàn tay vàng chế biến chè”…
Để chuẩn bị cho phần trưng bày ảnh đẹp, không gian thưởng trà, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện đã tổng hợp được trên 120 bức ảnh của Hội Văn học nghệ thuật huyện và các xã, thị trấn; lựa chọn những bức ảnh đẹp, ý nghĩa, đúng chủ đề trưng bày tại lễ hội năm nay.