Xâm nhập mặn tại ĐBSCL có xu hướng sớm hơn 1 - 1,5 tháng. Khẩn trương phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ bảo vệ lúa xuân. Hàng trăm tấn rong mơ trôi dạt vào vùng biển Hải Phòng. Trồng lúa hữu cơ lợi nhuận trên 36,5 triệu đồng/ha.
Xâm nhập mặn tại ĐBSCL có xu hướng sớm hơn 1 - 1,5 tháng
Quang Dũng sx
Sáng 25/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan tới công tác chống hạn, xâm nhập mặn ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi, số liệu thực đo lưu lượng trung bình tháng tại 2 trạm đầu nguồn sông Cửu Long là trạm Tân Châu trên sông Tiền và trạm Châu Đốc trên sông Hậu cho thấy, so với giai đoạn trước năm 2012, dòng chảy đầu mùa khô giảm từ 5 đến 12%. Từ giữa đến cuối mùa khô tăng từ 22 đến 50%. Việc biến động nguồn nước thượng lưu làm cho tình trạng xâm nhập mặn tại các vùng cửa sông, ven biển có thay đổi lớn về quy luật, xuất hiện sớm hơn trước đây từ 1 đến 1,5 tháng. Ví dụ: Giai đoạn trước năm 2012, mặn thường xâm nhập đáng kể từ tháng 2 đến tháng 4, đỉnh mặn xuất hiện vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4. Tuy nhiên, hiện nay, xâm nhập mặn xuất hiện từ cuối tháng 12 năm trước, đỉnh mặn xuất hiện vào tháng 2 hoặc đầu tháng 3, tháng 4 dòng chảy kiệt thường tăng, làm cho mặn giảm nhanh. Đầu mùa mưa dòng chảy nhỏ cũng có thể xuất hiện mặn bất thường.
Từ thông tin dự báo khí tượng thủy văn, ngành nông nghiệp xác định rõ các diện tích sản xuất có nguy cơ bị ảnh hưởng, triển khai các giải pháp ứng phó, tổ chức xuống giống sớm và vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước hiệu quả.
Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống sinh vật gây hại trên lúa giai đoạn cuối vụ đông xuân 2023-2024 các tỉnh phía Bắc do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức ở Ninh Bình sáng nay, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc cho biết, hiện tại, các đối tượng sinh vật hại chính trên lúa như bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, chuột... có diện phân bố và mức độ hại cao hơn so với vụ đông xuân 2022-2023. Đặc biệt sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 có mật độ và diện tích nhiễm cao hơn rất nhiều so với cùng lứa năm trước.
Theo ông Nguyễn Qúy Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay sẽ rất vất vả đối với ngành BVTV vì nếu không phòng trừ tốt sâu cuốn lá nhỏ trong dịp này, khi lúa trỗ lên sâu non sẽ cuốn lá đòng và ăn trắng lá, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa. Do đó, các Chi cục Trồng trọt và BVTV cần báo cáo Sở NN-PTNT, UBND tỉnh và bố trí cán bộ bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân phun trừ sâu cuốn lá nhỏ, kết hợp trừ rầy nâu và rầy lưng trắng. Sau phun 3-5 ngày cần kiểm tra mật độ sâu còn lại, nếu vẫn còn cao phải phun lần 2 để bảo vệ an toàn cho sản xuất.
Hàng trăm tấn rong mơ trôi dạt vào vùng biển Hải Phòng
Đinh Mười sx
Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.
Hiện tượng này lần đầu tiên xuất hiện ở Hải Phòng, bắt đầu từ đêm 20/4. Đang cao điểm du lịch nên chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng, máy móc, trang thiết bị để thu dọn.
Tại quận Đồ Sơn, rong biển dạt vào trải khắp các bãi tắm khu 1, khu 2 và bãi 295, lực lượng chức năng đã thu gom được khoảng 100 tấn nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tại Cát Bà, hiện tượng này cũng xuất hiện, nhất là những bãi biển có sóng lớn như Cát Cò 1, Cát Cò 2 và Cát Cò 3, nhiều tàu thuyền hoạt động trên vịnh đã bị rong biển quấn vào chân vịt. Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã huy động lực lượng để vớt và thu gom, dù không nhiều như tại Đồ Sơn nhưng mỗi ngày cũng được vài chục khối.
Trồng lúa hữu cơ lợi nhuận trên 36,5 triệu đồng/ha
Võ Dũng sx
Vụ đông xuân 2023-2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị thực hiện mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Hợp tác xã Hiếu Bắc, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ với tổng diện tích 8ha, sử dụng giống lúa ST25.
Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cung cấp trọn gói các dịch vụ đầu vào, cho người dân nợ 50% dịch vụ và thu mua lúa tươi tại ruộng với giá 13 nghìn đồng/kg.
Kết quả cho thấy, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất lúa tươi đạt 6,5 tấn/ha, lợi nhuận trên 36,5 triệu đồng/ha.