Hơn 11.000 ha lúa chưa thu hoạch do thiên tai. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới. Làng nghề làm than hơn 50 năm tại miền Tây. Rượu nếp cái hoa vàng Đại Thắng được công nhận là sản phẩm OCOP.
(Tin 1) Hơn 11.000 ha lúa chưa thu hoạch do thiên tai
Hiện nay, tình trạng sụt lún và sạt lở đất do khô hạn ở vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau đang ngày càng nghiêm trọng, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Tại huyện Trần Văn Thời, hàng chục nghìn héc ta lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn thu hoạch gặp khó khăn trong việc vận chuyển. Hầu hết các phương tiện cơ giới trong thu hoạch và vận chuyển lúa đều đang gặp khó.
Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, UBND huyện lập kế hoạch trong việc hỗ trợ người dân vận chuyển lúa đi tiêu thụ, trong đó thì lực lượng đoàn viên, dân quân tự vệ hỗ trợ cho người dân có điều kiện khó khăn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các phương tiện di chuyển thuận lợi trong vùng. Vụ lúa Đông Xuân 2023- 2024, toàn huyện Trần Văn Thời xuống giống gần 29.000 héc ta, đến thời điểm này mởi chỉ có 60% diện tích lúa đã được thu hoạch.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới
Theo báo cáo của Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới. Tại Việt Nam, ước tính có thể bán ra 57 triệu tín chỉ carbon cho các tổ chức quốc tế và nếu tính theo giá 5 USD/tín chỉ theo đơn giá Việt Nam đã bán cho Ngân hàng Thế giới trong năm 2023, mỗi năm có thể thu về hàng trăm triệu USD. Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cũng nhận định, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam là phù hợp. Năm 2023, nước ta đã thu được 997 tỷ đồng từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon rừng, góp phần chi trả kinh phí để bảo vệ khoảng 7,3 triệu ha rừng.
(Tin 3) Làng nghề làm than hơn 50 năm tại miền Tây
Được hình thành cách đây hơn 50 năm, làng nghề hầm than ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) không chỉ mang lại cho người dân địa phương khấm khá mà còn tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng ngàn lao động.
Ông Lưu Quốc Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hoà cho biết, xã là địa phương duy nhất của tỉnh Sóc Trăng có nghề hầm than với trên 900 lò. Với các gia đình làm nghề hầm than, đây là nguồn thu nhập chính. Theo ông Thanh, thu nhập từ nghề này rất cao, bình quân một năm mỗi lò hầm than sau khi trừ hết chi phí còn lãi từ 70 triệu đồng. Vào chính vụ, thu nhập của người làm công cho chủ lò cũng từ 300.000 đồng - 400.000 đồng/ngày.
Mỗi năm làng nghề cho ra thị trường 46.000 tấn than, doanh thu đạt khoảng 190 tỉ đồng.
(Tin 4) Rượu nếp cái hoa vàng Đại Thắng được công nhận là sản phẩm OCOP
Xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất phù sa màu mỡ. Đặc biệt phù hợp với giống lúa nếp cái hoa vàng rất nổi tiếng về chất lượng gạo thơm, ngon mà chỉ có ở Đại Thắng mới trồng được. Người dân địa phương chuyên sử dụng gạo nếp cái hoa vàng để nấu xôi, gói bánh chưng và nấu rượu.
Đặc điểm của rượu nếp cái hoa vàng là khó nấu, thời gian ủ cơm dài hơn, nếu chứng cất không có kinh nghiệm sẽ bị khê, ủ cơm lâu sẽ bị chua, nhất là khi gặp thời tiết nhiều gió Tây Nam sẽ rất khó nấu và hay bị hỏng rượu.
Để có được sản phẩm rượu nếp cái hoa vàng ngon, đảm bảo chất lượng từ việc lựa chọn thóc khi mua đến quá trình xay truội, đãi gạo, nấu cơm đều phải rất tỉ mỉ. Khi vào men đòi hỏi phải làm cẩn thận để men có thể ăn đều để tạo ra nấm men và Gluco.
Năm 2015, sản phẩm rượu nếp cái hoa vàng Đại Thắng với thương hiệu Thanh Sắc đã được Cục sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể, đây là điều kiện quan trọng để người dân địa phương phát triển sản phẩm và mới đây đã được UBND TP Hải Phòng công nhận là sản phẩm OCOP.