Cuộc cách mạng trong tư duy canh tác cà phê tại xã Glar, huyện Đăk Đoa đã làm thay đổi nhận thức hơn 200 hộ đồng bào dân tộc BaNa về quy trình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.
Hơn 200 hộ dân đồng bào BaNa sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, cộng đồng người BaNa tại huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai đang thực hiện cuộc cách mạng trong sản xuất theo hướng hữu cơ. Họ không ngừng áp dụng các phương pháp canh tác, sản xuất nông nghiệp mới, đặc biệt là trong trồng và chăm sóc cây cà phê theo hướng hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu và đồng thời bảo vệ môi trường sống.
Tại xã Glar, huyện Đăk Đoa, gia đình anh Xuân là điển hình cho việc trước đây sử dụng phân hóa học và nước tưới không kiểm soát đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường.
Nhưng giờ đây, nhận thức được vấn đề, anh Xuân đã quyết định tham gia vào chương trình sản xuất cà phê sạch, trồng theo hướng hữu cơ của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh, cùng với sự hỗ trợ từ Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.
Phỏng Vấn Anh Xuân, (Xã Glar, huyện Đăk Đoa, Gia Lai):
Tôi sử dụng phương pháp hữu cơ này mang lại sự bền vững. Chất lượng cây cà phê và sản phẩm mình làm ra đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng, cũng như là bền vững; từ 3 năm trước mình thay đổi, mình thấy cà phê của mình bệnh hại, đất thay đổi từ độ mùn của đất, độ pH, đất cũng tơi xốp và tốt hơn.
Không chỉ gia đình nhà anh Xuân, gia đình anh Uê (xã Glar, huyện Đăk Đoa) cùng các hộ dân đồng bào dân tộc BaNa trong xã cũng đã tham gia vào thực hiện mô hình trồng và sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ, cam kết theo các chứng nhận UTZ và 4C. Sự chuyển đổi này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời bảo vệ sức khỏe người trồng và môi trường.
Phỏng Vấn anh Uê (Xã Glar, huyện Đăk Đoa, Gia Lai):
Tôi làm theo hướng hữu cơ được khoảng 1ha. Tôi thấy từ khi chuyển qua làm cà phê sạch như vậy mang lại rất nhiều lợi ích đối với gia đình mình như sức khoẻ cũng đảm bảo hơn. Thứ 2 là làm theo hướng hữu cơ môi trường sống được an toàn. Cái thứ 3 nữa là áp dụng mô hình này giảm được chi phí như trước đây làm theo chăm bón phân bón, thuốc hoá học thì mất khoảng 100 triệu đồng/ha nhưng nay giảm đi 1 nữa.
Theo HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh, nhờ áp dụng các phương pháp canh tác cà phê bền vững, cộng đồng người đồng bào dân tộc BaNa tại xã Glar giờ đây có thể bán cà phê với giá cao hơn giá thị trường từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg. Đất đai cũng đã trở nên màu mỡ hơn, nhờ vào việc áp dụng phân bón hữu cơ và phân tự ủ, loại bỏ các thuốc bảo vệ thực vật độc hại.
Phỏng Vấn ông Lê Hữu Anh, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (huyện Đăk Đoa):
Qua 4 năm triển khai mô hình cà phê canh tác theo hướng bền vững không sử dụng hoá chất độc hại và sản xuất theo hướng hữu cơ thì hiệu quả trên địa bàn xã Glar nơi HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh triển khai, và đối tượng chủ yếu là người đồng bào BaNa thì hiện tại có hiệu quả rất là tốt.
Hiện nay tại xã Glar, huyện Đăk Đoa đã có trên 200 hộ đồng bào dân tộc BaNa tham gia vào quy trình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ với sự hỗ trợ và hướng dẫn trực tiếp từ hợp tác xã. Cuộc cách mạng trong tư duy canh tác cà phê này không chỉ là bước tiến về mặt kinh tế mà còn cho thấy cộng đồng BaNa đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.