Huy động 12.000 tỷ đồng thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Thêm 2 nhà máy ngành chăn nuôi ở Bình Phước. Cà Mau: 12.000ha cua nuôi bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Hàn Quốc nhập khẩu nhiều tôm nhất từ Việt Nam.
HUY ĐỘNG 12.000 TỶ ĐỒNG TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN 1 TRIỆU HA LÚA CHẤT LƯỢNG CAO
Huy động 12.000 tỷ đồng thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao Theo thông tin tại hội thảo “Tham vấn cơ chế vốn, áp dụng công nghệ số hỗ trợ nông nghiệp và Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao” do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 10/5 tại TP.HCM, dự kiến sẽ có 12.000 tỉ đồng vốn, trong đó có 3.000 tỉ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, 8.400 tỉ đồng vốn xã hội hóa, còn lại là từ các nguồn vốn khác. Người nông dân khi tham gia đề án, sẽ được hỗ trợ 30% chi phí mua giống lúa trong bốn vụ đầu liên tiếp. Được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu/vụ sản xuất (thời gian vay trong 6 tháng) trong thời gian tham gia liên kết. Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, WB đang thực hiện dự án hỗ trợ khoảng 40 triệu USD cho đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải. Cùng với đó là dự án trị giá 60 triệu USD để phát triển thị trường tín chỉ carbon sau năm 2027, bên cạnh đó còn có chương trình hỗ trợ 20 triệu USD không hoàn lại để hỗ trợ đề án.
THÊM 2 NHÀ MÁY NGÀNH CHĂN NUÔI Ở BÌNH PHƯỚC (THANH SƠN)
Ngày 10 tháng 5 năm 2023, tại Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico, tỉnh Bình Phước, Japfa Việt Nam đã khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhà máy giết mổ. Đây là một trong những dự án hiện đại nhất của Japfa tại Việt Nam.
Nhà máy Sản xuất thức ăn chăn nuôi giai đoạn 1, có vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng, đạt công suất 240.000 tấn/năm. Nhà máy giết mổ gia cầm đạt công suất 60.000 con/ngày với vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, cho rằng Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và Nhà máy giết mổ tại Bình Phước của Japfa Việt Nam khi đi vào hoạt động sẽ có những đóng góp tích cực trong quá trình đưa ngành chăn nuôi Việt Nam hội nhập và phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững.
CÀ MAU: 12.000HA BỊ ẢNH HƯỞNG DO DỊCH BỆNH
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, cua nuôi của nông dân trong tỉnh bị chết rải rác ở một số vùng chuyên canh nuôi thủy sản như Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển, tổng diện tích bị ảnh hưởng hơn 12.000ha, mức độ thiệt hại từ 20 đến 60%. Trong thời gian chờ kết quả nghiên cứu từ Phân Viện nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu để có biện pháp phòng trừ dịch bệnh hữu hiệu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau khuyến cáo bà con khi phát hiện cua có dấu hiệu mắc bệnh hoặc chết phải báo ngay cho lực lượng khuyến nông, thú y cơ sở để kịp thời phối hợp xử lý. Khi phát hiện vuông nuôi có cua chết nên thu gom lên bờ chôn, xử lý bằng vôi hoặc chlorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan cho khu vực chung quanh. Bên cạnh đó, bà con nên nuôi cắt vụ, không thả thêm con giống và tiến hành cải tạo vuông nuôi để tránh tình trạng dịch bệnh lặp đi, lặp lại kéo dài. Khi đủ điều kiện thả nuôi nên chọn con giống tốt, giống cỡ lớn, chất lượng, không mang mầm bệnh và áp dụng quy trình nuôi tiến tiến.
HÀN QUỐC NHẬP KHẨU NHIỀU TÔM NHẤT TỪ VIỆT NAM
Chiếm 14% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ, EU và Nhật Bản, Hàn Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất của sản phẩm tôm Việt Nam. Mỗi năm, xứ sở kim chi nhập khẩu trên 100.000 tấn tôm với giá trị từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD. Trong đó, tôm Việt Nam luôn chiếm thị phần cao nhất, trên 50%. Trong 5 năm từ 2018 đến 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc tăng trưởng khá ổn định từ 386 triệu USD năm 2018 lên 468 triệu USD năm 2022. Đặc biệt, các sản phẩm tôm thẻ chân trắng luôn tăng trưởng cao từ năm 2019 đến nay. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, trong xu hướng giảm chung trước bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát tăng, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 46 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.