Khởi động dự án đào tạo ngành chăn nuôi trị giá 13 triệu USD. Trà Vinh đầu tư 140 tỷ đồng làm đê bảo vệ vùng cây ăn trái. Ngành gỗ Bình Định hồi phục. Xuất khẩu thanh long có chiều hướng giảm.
KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN ĐÀO TẠO NGÀNH CHĂN NUÔI TRỊ GIÁ 13 TRIỆU USD
Bảo Thắng - Sản xuất
Chiều 4/10, Bộ Nông nghiệp & PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại sứ quán Hàn quốc tại Việt Nam, tổ chức KOICA cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức Lễ khởi động dự án Nâng cao năng lực đào tạo cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chăn nuôi.
Theo ông Kim Soo-ki, Giám đốc dự án phía Hàn Quốc, dự án kéo dài đến năm 2030, bao gồm 5 hợp phần. Trong đó có việc thành lập Viện Nghiên cứu đào tạo ngành chăn nuôi Việt Nam - Hàn Quốc trực thuộc Học viện Nông nghiệp. Dự án có tổng kinh phí hơn 13 triệu USD, trong đó 12,7 triệu USD là vốn tài trợ không hoàn lại.
Bày tỏ niềm vui khi được cùng phía Hàn quốc triển khai dự án, bà Nguyễn thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng dự án sẽ là tiền đề để sinh viên của Học viện khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, xứng đáng là những nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực chăn nuôi và toàn ngành nông nghiệp.
TRÀ VINH ĐẦU TƯ 140 TỶ ĐỒNG LÀM ĐÊ BẢO VỆ VÙNG CÂY ĂN TRÁI
Hồ Thảo - Sản xuất
UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt dự án xây dựng tuyến đê bao dài 9km và 5 cống thủy lợi để bảo vệ vùng vườn cây ăn trái tại huyện Cầu Kè. Dự án có tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng và dự kiến thời gian hoàn thành vào năm 2027.
Theo ông Lê Quang Răng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, dự án được triển khai nhằm kiểm soát và điều tiết nguồn nước, phục vụ cho sản xuất của hơn 1.100 hộ dân và bảo vệ 990 ha vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Cầu Kè. Ngoài ra, dự án còn có vai trò quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân trong khu vực. Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại huyện Cầu Kè.
NGÀNH GỖ BÌNH ĐỊNH HỒI PHỤC
Vũ Đình Thung – Khai thác
Bình Định hiện có 130 doanh nghiệp sản xuất gỗ xuất khẩu, ngành hàng này giữ vai trò quan trọng trong giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Những tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do không có đơn hàng; sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm của các nước láng giềng; sự biến động thị trường toàn cầu… Tuy nhiên, hiện nay, một số đối tác truyền thống đã bắt đầu quay lại đặt hàng; nhiều doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng. Tuy chỉ bằng khoảng 70% so với mọi năm nhưng đã đủ tạo khí thế phấn khởi, cho phép các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất; tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng cường tiêu thụ gỗ nguyên liệu cho người trồng rừng.
Với tín hiệu vui này, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Bình Định phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ mức 1 tỷ USD của năm 2022, góp phần hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu toàn tỉnh và ngành gỗ cả nước năm 2023.
XUẤT KHẨU THANH LONG CÓ CHIỀU HƯỚNG GIẢM
Khai thác
8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thanh long mới đạt 450 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ. Một trong những tác nhân làm cho ngành hàng tỷ đô đi lùi thời gian qua là đến từ thị trường Trung Quốc. Việc Trung Quốc phát triển được diện tích lớn thanh long cũng là lý do khiến thanh long Việt Nam bán chậm hơn tại thị trường này.Hiện diện tích thanh long của Trung Quốc khoảng 67.000 ha, sản lượng 1,6 triệu tấn, nhiều hơn Việt Nam về diện tích và sản lượng, đã đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng trong nước của họ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đây sẽ là một áp lực không nhỏ đối với ngành hàng thanh long của Việt Nam. Vì 80% thanh long xuất khẩu của Việt Nam đang tiêu thụ vào thị trường này.