Kiểm ngư vùng I xử lý 43 tàu cá nước ngoài vi phạm. Tuyên Quang phấn đấu mỗi huyện, thành phố có sản phẩm OCOP 5 sao. Nuôi thủy sản vùng biển hở mang lại giá trị kinh tế cao. Cam lòng vàng Mộc Châu hút du khách.
(tin 1) Kiểm ngư vùng I xử lý 43 tàu cá nước ngoài vi phạm
Đinh Mười sx
Ngày 29/12, Kiểm ngư vùng I tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2024.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, năm 2024, số lượng tuần tra của Chi cục Kiểm ngư vùng 1 sẽ tăng thêm 28 chuyến, gấp đôi so với năm 2024, với các đợt cao điểm trong quý 1 và quý 2 trên tinh thần xử lí nghiêm để hạn chế được việc các tàu cá vi phạm quy định pháp luật trong khai thác.
Trong năm nay, lực lượng Kiểm ngư vùng I đã kiểm tra 580 phương tiện hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển vịnh bắc bộ, trong đó gồm 538 tàu cá Việt Nam và 43 tàu cá nước ngoài. Phát hiện và xử lý 109 tàu cá vi phạm, gồm 66 tàu cá Việt Nam và 43 tàu cá nước ngoài. Đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng, tăng gấp hơn 6 lần so với năm 2022.
(tin 2), Tuyên Quang phấn đấu mỗi huyện, thành phố có sản phẩm OCOP 5 sao
Đào Thanh sx
UBND tỉnh Tuyên Quang vừa tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025.
Qua 3 năm triển khai Chương trình OCOP, toàn tỉnh Tuyên Quang có 248 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, vượt 7,8% mục tiêu phấn đấu về số lượng sản phẩm OCOP đến năm 2025. Đã có 120/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP, đạt 87% mục tiêu năm 2025. Đặc biệt huyện Sơn Dương và Na Hang đã có 100% xã, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tuyên Quang trở thành tỉnh đứng thứ 4 trong các tỉnh miền núi phía Bắc về sản phẩm OCOP.
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến hết năm 2025 mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao.
Nuôi thủy sản vùng biển hở mang lại giá trị kinh tế cao.
Sở NN-PTNT Khánh Hòa cùng Trung tâm khuyến nông tỉnh vừa phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu 3 mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở thuộc xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh đều mang lại giá trị kinh tế cao sau 8 tháng thả nuôi. Cụ thể, đối với 2 mô hình nuôi cá bớp trong lồng tròn HDPE đường kính 13m, thể tích 800m3, hiện cá đã đạt trọng lượng từ 6-7 kg/con; tỷ lệ sống đạt 97%. Còn mô hình nuôi tôm hùm xanh bằng bè HDPE gồm cụm 6 lồng, mỗi lồng 24m3, treo 2 tầng lồng (tức 12 lồng), tôm đã đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg, tỷ lệ sống đạt 76%.Với giá cá bớp thương phẩm hiện từ 160-170 ngàn đồng/kg, sau khi xuất bán người nuôi lãi khoảng 600 triệu đồng/lồng. Còn nuôi tôm hùm xanh, sau khi xuất bán, người nuôi lãi khoảng 30 triệu/lồng. Trước đó vào tháng 5-2023, UBND tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình nuôi biển công nghệ cao đầu tiên tại vùng biển hở xã Cam Lập, TP. Cam Ranh.
Cam lòng vàng Mộc Châu hút du khách
Hùng Khang sx
Những ngày này trên khắp các vườn cam lòng vàng của người dân tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, tỉnh Sơn La khá nhộn nhịp người đến tham quan, trải nghiệm thu hoạch và thưởng thức.Những cây cam sai trĩu quả được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, không chỉ mang lại niềm vui cho bà con nông dân, mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo mời gọi du khách gần xa.Ngay từ ban đầu những cây cam ở đây đã được định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, toàn bộ quả cam đều được dán tem truy xuất nguồn gốc.Cam lòng vàng có vỏ mỏng, tép giòn, thơm sâu, ngọt đậm nên được nhiều người yêu thích. Hiện nay mỗi một kilogram cam lòng vàng được bán tại vườn với giá từ 50 – 70 nghìn đồng.