Kiến nghị ban hành danh mục cây trồng được phép chuyển đổi trên đất lúa. Ứng dụng công nghệ tuần hoàn trong nuôi tôm tại Cà Mau. Hà Tĩnh có hơn 580ha được cấp mã số vùng trồng. 16% sản lượng chè của Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
KIẾN NGHỊ BAN HÀNH DANH MỤC CÂY TRỒNG ĐƯỢC PHÉP CHUYỂN ĐỔI TRÊN ĐẤT LÚA
Thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết, năm 2023, tỉnh đã chuyển đổi trên 2.300ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản. Năm 2024, địa phương tiếp tục chuyển đổi 1.400ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, tỉnh đang kiến nghị Bộ NN-PTNT mời gọi các doanh nghiệp có quy mô lớn vào đầu tư và bao tiêu một số nông sản chính cho tỉnh; phối hợp với bộ ngành liên quan tham mưu Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho tỉnh đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi để phân vùng sản xuất phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa phù hợp với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, để việc chuyển đổi bền vững, tỉnh Trà Vinh kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cây trồng lâu năm được phép chuyển đổi; cần quy định cụ thể việc xử phạt khi thực hiện chuyển đổi không theo quy định. danh mục cây trồng.
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TUẦN HOÀN TRONG NUÔI TÔM TẠI CÀ MAU
Văn Vũ sản xuất
Là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 300.000ha.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, người dân và các doanh nghiệp tại tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn phát triển kinh tế thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn, không xả thải đang là xu thế tại địa phương.
Ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung Tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau cho biết, ưu điểm của mô hình tuần hoàn là hầu như không sử dụng nguồn nước bên ngoài trong quá trình nuôi.
Nguồn nước thải thông qua hệ thống lọc tuần hoàn được tái sử dụng trở lại. Ngoài ra, do không thay nước nên hạn chế tốt dịch bệnh từ bên ngoài. Qua đó, tạo ra giải pháp công nghệ nuôi mới, giúp thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
HÀ TĨNH CÓ HƠN 580 HA ĐƯỢC CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Thanh Nga sx
Thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh phát triển sản xuất, tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích, hỗ trợ, giám sát các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đăng ký mã vùng trồng nhằm thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc, tăng sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường.
Thống kê đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cấp 50 mã số vùng trồng cho các cơ sở sản xuất với tổng diện tích hơn 584 ha. Trong đó: Lúa 445 ha; chè hơn 37 ha; cây ăn quả hơn 61 ha và lạc, rau các loại trên 41 ha.
Việc cấp mã vùng trồng giúp ngành chuyên môn theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.
16% SẢN LƯỢNG CHÈ CỦA THÁI NGUYÊN ĐẠT TIÊU CHUẨN HỮU CƠ
Quang Linh khai thác
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 4.300ha chè được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; 76ha chè được cấp chứng nhận canh tác bền vững; diện tích chè hữu cơ đạt 76ha.
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, đến nay, Thái Nguyên đã xây dựng được 31 mã số vùng trồng và được định vị trên hệ thống toàn cầu GPS.
Theo đó, sản lượng chè búp tươi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ chiếm 16% tổng sản lượng chè của tỉnh, với giá trị sản xuất cao hơn 15-25% so với sản xuất thông thường.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng chè, tăng diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, tỉnh Thái Nguyên cũng chú trọng hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè.
Hàng năm, địa phương đều hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm được tổ chức trong và ngoài tỉnh.