Kim ngạch thương mại Việt Nam - Nhật Bản vượt 20 tỷ USD. Việt Nam tham gia tích cực, trách nhiệm chống đánh bắt cá trái phép. Nước sông Mekong thiếu hụt 60% mùa mưa lũ. Kon Tum đầu tư thiết bị phân tích ADN Sâm Ngọc Linh.
KIM NGẠCH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM - NHẬT BẢN VƯỢT 20 TỶ USD
Theo thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm,tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 11,38 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 1,3 tỷ USD. Trong đó, thủy sản là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn nhất, khoảng 800 triệu USD. Một số mặt hàng nông sản khác cũng có giá trị xuất khẩu lớn như: Cà phê, tiêu, sản phẩm gỗ, cao su…Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản 12 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 1,15 tỷ USD.Nhiều năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác kim ngạch thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2021, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam và là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 của nước ta.Với dân số hơn 126 triệu người, Nhật Bản luôn được đánh giá là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông sản như: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, cà phê,…
VIỆT NAM THAM GIA TÍCH CỰC, TRÁCH NHIỆM CHỐNG ĐÁNH BẮT CÁ TRÁI PHÉP
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hoa Kỳ muốn hợp tác chống đánh bắt cá trái phép trên vùng biển quốc tế với các nước, trong đó có Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam quan tâm đến thông tin này và nêu rõ quan điểm của Việt Nam về vấn đề khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định - IUU là nhất quán và đã được nêu rõ nhiều lần.Bà Hằng cho biết, Việt Nam chủ trương phát triển bền vững kinh tế biển, tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác IUU và các công ước, thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia là thành viên Trước đó, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết Tổng thống Joe Biden đã ký bản ghi nhớ về an ninh quốc gia nhằm chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp và sử dụng lao động cưỡng bức ở vùng biển quốc tế. Trong đó, Việt Nam là 1 trong 5 đối tác sẽ hợp tác với nước này giải quyết nạn khai thác IUU.
NƯỚC SÔNG MEKONG THIẾU HỤT 60% MÙA MƯA LŨ
Cuối tháng 6 đầu tháng 7 được xem là giai đoạn đầu mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long và các nước hạ nguồn sông MEKOng. Thế nhưng, theo thông tin từ Dự án Giám sát hoạt động các đập thủy điện sông Mê Kông, nhịp lũ sông MeKong đang có xu hướng hạ thấp vào cuối tháng 6. Ước tính, dòng chảy hiện thiếu hụt hơn 60% so với tự nhiên.Đáng chú ý, mực nước sông tại Stung Treng - Campuchia hiện thấp hơn mức trung bình lịch sử khoảng 0,7 m. Lũ lụt tự nhiên theo mùa vào cuối tháng 6 ở mức thấp nhất của mực nước lũ bình thường.Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam nhận định, nguyên nhân mực nước trên dòng chính sông MeKong giảm là do lượng mưa trong tháng 6 thấp và các đập thủy điện thượng nguồn giảm xả nước, cũng như bắt đầu vận hành tích nước trong thời kỳ đầu mùa mưa lũ.
KON TUM ĐẦU TƯ THIẾT BỊ PHÂN TÍCH ADN SÂM NGỌC LINH
UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản giao Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương mua sắm máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật tư, hóa chất... để phân tích ADN Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác (tách chiết, nhân bản, kiểm tra, định lượng ADN), phục vụ giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả; phân tích hàm lượng Saponin và các hoạt chất sinh học khác trong Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác.Hoạt động trên nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh.Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm 2022, khẩn trương phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan rà soát, chuẩn bị quỹ đất phù hợp phục vụ cho việc trồng Sâm Ngọc Linh theo kế hoạch.