Nhờ mô hình của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhiều hộ dân tại Điện Biên đã thấy lợi ích trong việc chuyển đổi tập quán từ chăn thả sang nuôi nhốt trâu bò.
Kĩ thuật nuôi trâu vỗ béo giúp đồng bào Tây Bắc đổi tập quán chăn nuôi
Gia đình ông Quàng Văn Trịnh ở xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo tỉnh Điện Biên hiện đang áp dụng mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai thực hiện với quy mô 10 con trâu. Trước đây, gia đình ông chỉ chăn thả tự phát bởi thế mà nuôi cả năm mà trâu vẫn chậm lớn, gầy gò. Khi mùa đông đến, do thiếu kiến thức trong chăn nuôi gia đình không chuẩn bị kỹ chuồng trại để ủ ấm cho trâu, thức ăn tinh và cỏ dự trữ đều bị thiếu, có con không chịu được đã phải chết rét, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Đến khi tham gia mô hình, ông và các hộ được hỗ trợ 100% chi phí về thức ăn hỗn hợp cho trâu, chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y. Đặc biệt, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh Điện Biên đến tận nơi đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chọn trâu đưa vào vỗ béo.
Ông QUÀNG VĂN TRỊNH, Xã Quài Nưa, Tuần Giáo, Điện Biên
“Lợi ích của việc chăn nuôi tập trung thứ nhất là mình chủ động được nguồn thức ăn cho trâu bò. Thứ hai là tận dụng triệt để được phế phụ phẩm và thứ ba là rút ngắn được thời gian chăn nuôi, tăng trọng cũng nhanh hơn, một ngày có thể tăng từ 1-1,2kg”
Chứng kiến mô hình của gia đình ông Trịnh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia Lê Quốc Thanh đánh giá rất cao hiệu quả của mô hình mang lại cho bà con. Đặc biệt, mô hình còn giải quyết vấn đề khó khăn trong xử lý chất thải chăn nuôi thải ra môi trường; tạo môi trường chăn nuôi sạch và bền vững.
Ông LÊ QUỐC THANH, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
“Đây là tín hiệu của kinh tế tuần hoàn và sản xuất hữu cơ. Trước đây khi chăn thả toàn bộ phế thải của trâu bò không thu hồi được, nhưng giờ thì có thể và sẽ xử lý bằng công nghệ men vi sinh. Đứng cạnh chuồng trâu bò nhưng không hề thấy mùi và đặc biệt họ đã biết sử dụng công nghệ này trở thành một nguồn phân bón rất tốt phục vụ sản xuất trồng trọt”
Bên cạnh đó, Giám đốc Lê Quốc Thanh cũng cho rằng, với phương pháp chăn nuôi trâu vỗ béo tập trung sẽ tận dụng được diện tích đất để trồng cỏ, từ đó kết hợp với công nghệ ủ chua để tăng thành phần dinh dưỡng, ngoài ra bổ sung các thức ăn tinh và kiểm soát được an toàn dịch bệnh.