| Hotline: 0983.970.780

Làm giàu từ nuôi trâu với 75 triệu đồng

Thứ Ba 07/06/2022 , 08:25 (GMT+7)

LÀO CAI Từ hộ nghèo và số vốn vay ngân hàng 75 triệu đồng, sau 5 năm nuôi trâu, anh Vàng Mí Ná đã vươn lên làm giàu, là tấm gương vượt khó điển hình của xã.

Niêm Sơn là xã vùng cao của huyện Mèo Vạc, đây cũng là 7/11 huyện nghèo của Hà Giang được thụ hưởng các chính sách theo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Nơi đây điều kiện tự nhiên vô cùng khó khăn, đất chủ yếu là các đồi núi đá, nước sinh hoạt thường bị thiếu vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 3 dương lịch năm sau)… Nhưng cũng tại vùng đất khó khăn này, đã xuất hiện các tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo của của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đàn trâu của anh Ná luôn rất béo tốt nhờ chủ động đầy đủ thức ăn. Ảnh: Văn Phú.

Đàn trâu của anh Ná luôn rất béo tốt nhờ chủ động đầy đủ thức ăn. Ảnh: Văn Phú.

Một trong những tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu trên vùng đất khó là gia đình anh Vàng Mí Ná, dân tộc Mông ở thôn Bản Tòng, xã Niêm Sơn huyện Mèo Vạc.

Trước đây, gia đình anh Ná thuộc diện hộ nghèo của xã, gia đình thường bị thiếu đói khi giáp hạt. Không cam chịu cảnh đói nghèo, qua nhiều năm suy nghĩ, anh Ná đã tìm ra hướng đi cho mình là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa. Để phát triển chăn nuôi trâu thì phải có vốn đầu tư mua giống và làm chuồng trại, nhưng gia đình anh Ná lại thuộc hộ nghèo…

Từ suy nghĩ và quyết tâm, từ đầu năm 2017, anh Ná đã nhờ Hội Nông dân của xã đứng lên bảo lãnh để làm đơn vay Ngân hàng Chính sánh xã hội huyện Mèo Vạc 75 triệu đồng. Từ số tiền này, anh Ná đã đầu tư mua 4 con trâu giống hết 60 triệu đồng, số tiền còn lại anh dùng để làm chuồng trại và trồng gần 0,8 ha cỏ voi. Khi trồng cỏ, gia đình anh Ná còn được huyện hỗ trợ về giống và cán bộ khuyến nông tư vấn hỗ trợ về kỹ thuật.

Vừa phát triển chăn nuôi, anh Ná vừa tìm tòi, học hỏi kỹ thuật qua sách báo cũng như qua các buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc của Trạm Khuyến nông và Trạm Thú y của huyện. Bên cạnh đó, anh còn trực tiếp đi tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi của các hộ thành công trên địa bàn.

Trâu dễ nuôi, nhu cầu thị trường lớn, dễ tiêu thụ. Ảnh: NNVN.

Trâu dễ nuôi, nhu cầu thị trường lớn, dễ tiêu thụ. Ảnh: NNVN.

Nhờ sự chăm chỉ học hỏi và lòng quyết tâm, đàn trâu của gia đình anh Ná phát triển tốt và không bị dịch bệnh. Sau hơn một năm chăn nuôi, đến tháng 5/2018, anh Ná đã bán 3 con trâu đực được gần 110 triệu đồng, một con trâu cái được anh giữ lại làm giống.

Thấy chăn nuôi trâu có lãi, từ số tiền bán trâu, anh Ná tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại, mua thêm giống trâu và các con trâu gầy yếu về nuôi vỗ béo. Đến cuối năm 2019, anh Ná đã bán 5 con trâu được gần 200 triệu đồng. Từ số tiền bán trâu, anh Ná đã trả hết nợ ngân hàng và trong chuồng vẫn còn 5 con trâu giống.

Được biết, bên cạnh phát triển chăn nuôi trâu, từ năm 2018, anh Ná đã trích một phần tiền bán trâu để đầu tư trồng gần 1,2 ha ngô nương, gieo cấy gần 1 ha lúa một vụ để phục vụ sinh hoạt gia đình và hỗ trợ nguồn thức ăn tinh và thức ăn thô xanh cho đàn trâu.

Theo anh Ná, đối với nhà nông, khi phát triển chăn nuôi kết hợp với trồng trọt sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế. Nguồn phân gia súc sẽ làm phân bón giúp cây trồng tăng năng suất và không phải đầu tư nhiều để mua phân vô cơ. Bên cạnh đó, các sản phẩm phụ từ trồng trọt như rơm, cám gạo, lá và thân cây ngô ngô sẽ là nguồn thức ăn bổ sung cho đàn trâu.

Anh Ná cho biết: Từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình thường xuất bán trâu thành nhiều lứa, trung bình từ 5 – 7 con trâu, sau đó mua thêm giống và trâu gầy yếu để nuôi bổ sung và vỗ béo. Số tiền thu được từ nuôi trâu trong một năm khoảng 260 – 280 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí như giống, thuốc tiêm phòng…, còn lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.

Các phiên chợ trâu tại miền núi luôn rất đông người mua, kẻ bán. Ảnh: NNVN.

Các phiên chợ trâu tại miền núi luôn rất đông người mua, kẻ bán. Ảnh: NNVN.

Anh Ná chia sẻ: Muốn phát triển chăn nuôi trâu thành công, việc chọn giống đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó phải luôn chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, nhất là về mùa đông. Chuồng trại phải đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ vào mùa hè và che chắn kín gió vào mùa đông. Khi nhiệt độ xuống thấp, gia đình phải tận dụng củi, lõi ngô để đốt sưởi cho đàn trâu.

Ngoài ra, cần phải chủ động tiêm phòng một số loại bệnh chủ yếu để trâu phát triển tốt và không bị dịch bệnh. Trước khi xuất bán trâu từ 2 – 3 tháng, gia đình thường cho trâu ăn thêm cám gạo và bột ngô để trâu nhanh béo và bán được giá.

Được biết, ngoài phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa, gia đình anh Ná còn phát triển nuôi lợn đen bản địa và gà thả đồi để tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Anh Hà Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Niêm Sơn cho biết: Gia đình anh Vàng Mí Ná là hộ dân tộc Mông điển hình của xã trong quá trình vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu nhờ phát triển chăn nuôi trâu kết hợp với trồng ngô và lúa.

"Trong những năm qua, chúng tôi đã lấy gương của gia đpình anh Ná để tuyên truyền cho bà con trong xã học tập và làm theo. Từ những thành tích trong xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu trên vùng đất khó, gia đình anh Vàng Mí Ná đã được Hội Nông dân huyện Mèo Vạc biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen từ năm 2020 đến nay", ông Thành cho biết.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.