Nằm gần Quốc lộ 6, cách ngã ba Minh Thắng độ vài kilomet, gia đình ông Quàng Văn Trịnh, bản Bó Giáng, xã Quài Nưa (Tuần Giáo, Điện Biên) tham gia Dự án “Xây dựng mô hình vỗ béo trâu thịt và xử lý chất thải chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học” của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia từ năm 2021. Nụ cười tươi rói, ông Trịnh bảo: "Hồi đầu xây chuồng trại gần đường, tôi lo lắm. Nhưng như các anh thấy, đứng ở sát chuồng rồi mà vẫn không thấy mùi".
Bí quyết được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, là cách làm chuồng. Chuồng phải đặt ở nơi cao ráo, thoáng mát, dễ thoát nước, đảm bảo tối thiểu mỗi con có khoảng 5m2 diện tích. Nền chuồng được láng xi măng sạch, có độ nghiêng về phía thoát nước khoảng 1,5 – 2% để thuận tiện làm sạch. Phía trên, ông Trịnh phủ nhiều rơm rạ, vừa để che mát, vừa để thuận tiện rút cho trâu ăn những ngày mưa gió.
Trước khi tham gia Dự án, ông Trịnh được một vài người mách cách vỗ béo theo kiểu bán chăn thả, thời gian trung bình khoảng 4 tháng. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi cách làm, thời gian vỗ béo của ông rút xuống chỉ còn 1/3. Với trọng lượng tăng thêm khoảng 1 - 1,2kg mỗi ngày, trâu của ông giờ chỉ cần 2 - 3 tháng là đủ tiêu chuẩn xuất chuồng.
Bên cạnh việc tẩy giun, sán lá gan cho trâu trước khi vỗ béo, cán bộ khuyến nông còn chỉ cho gia đình ông Trịnh cách tạo nguồn thức ăn ổn định, nhất là vào mùa đông. Những mảnh đất, vạt nương trước đây bỏ hoang, giờ được bồi đắp dinh dưỡng để trồng cỏ voi. Cỏ sau khi thu hoạch được chất thành những đống lớn, cắt nhỏ, rồi ủ chua làm thức ăn cho trâu.
"Nhờ cán bộ cầm tay chỉ việc, tôi thấy kỹ thuật vỗ béo trâu cũng không quá phức tạp. Vấn đề chỉ là lựa đúng đối tượng trâu, đó là trâu không sử dụng để sinh sản, không sử dụng để cày kéo và tốt nhất là trâu tơ dưới 2 tuổi. Cứ làm đúng hướng dẫn là thu lời trăm triệu mỗi năm", ông Trịnh chia sẻ.
Phấn khởi trước thành quả của bà con, ông Mai Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi Điện Biên thấy bõ công sức những ngày trèo đèo, lội suối, dầm mưa để đi từng nhà vận động.
Theo ông Nam, tập quán chăn thả gia súc của bà con người Thái, người Mông ở Điện Biên đã có từ bao đời. "Để thay đổi nhận thức và quy trình sản xuất cho người dân không thể một sớm một chiều", ông nhớ lại.
Kỷ niệm khiến ông Nam nhớ nhất khi đi hướng dẫn kỹ thuật là một lần giới thiệu về quy cách cân trâu sau mỗi tháng trong giai đoạn vỗ béo. Đây là cách gần như duy nhất để kiểm tra, điều chỉnh lượng thức ăn cho trâu, hoặc đơn giản là tìm nguồn nước sạch hơn cho trâu, tránh giun, sán. Dù vậy, bà con thường dùng kinh nghiệm, thậm chí bằng mắt ước lượng và thấy "nuôi như thế là được rồi".
Với quan điểm, trâu hơn nhau 1kg mỗi tháng là cả sự khác biệt, ông Nam bảo anh em khuyến nông kiên trì, vận động bà con. Cuối cùng, bà con cũng hiểu và thêm quy trình này khi nuôi trâu vỗ béo, bên cạnh bổ sung thức ăn thô xanh để trâu ăn tự do cả ngày đêm và bổ sung thức ăn tinh định kỳ. Ngoài ra, khuyến nông xã cũng nhắc bà con có thể sử dụng củ, quả, cỏ khô thay thế một phần thức ăn tươi, với công thức tạm tính 1kg cỏ khô bằng 3 - 4kg cỏ tươi; 1kg củ quả tươi bằng 1,1 – 1,2kg cỏ tươi.
Sau quá trình triển khai dự án, Giám đốc Nam đúc rút thêm công thức cho bà con để chuẩn bị thức ăn. Đó là để tăng tối thiểu 1kg trọng lượng cho trâu, cần từ 6,8 – 8,5kg vật chất khô. Như vậy, để nuôi trâu vỗ béo hiệu quả, người dân cần cho trâu tơ ăn 1 - 2kg thức ăn tinh và 20 – 22kg thức ăn tươi xanh hàng ngày.
Đánh giá cao mô hình tại Điện Biên, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, mục tiêu khi nuôi trâu vỗ béo là sau 3 tháng, trâu phải tăng từ 15 – 20% khối lượng cơ thể. Muốn vậy, ông khuyên bà con chọn thời điểm vỗ béo ở lứa tuổi trâu non (dưới 24 tháng tuổi). Làm vậy, trâu sẽ cho tỷ lệ xẻ thịt cao, chất lượng và độ mềm của thịt tốt. Bộ răng trâu tuổi này cũng chắc khoẻ, khả năng tiêu hoá và đồng hoá thức ăn tốt, giúp tăng khả năng tích thịt.