100% sâm Việt Nam sẽ có mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. 1.000 doanh nghiệp nông nghiệp mới ra đời từ dự án khởi nghiệp xanh. Huyện Tân Uyên định hướng trở thành thủ phủ cây dổi của Lai Châu. Việt Nam mới tự chủ được 20 - 30% giống thủy sản nước lạnh.
100% sâm Việt Nam sẽ có mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc phê duyệt dự thảo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045. Theo dự thảo, mục tiêu chương trình sẽ phát triển sâm thành thương hiệu quốc gia, đưa sâm Việt Nam thành sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược, chăm sóc sức khỏe và đa dạng hóa sản phẩm.Cụ thể, phát triển vùng nguyên liệu trồng sâm Việt Nam tập trung tại các tỉnh chỉ dẫn địa lý có điều kiện sinh thái phù hợp lên khoảng 24.000ha vào năm 2030 và 100% diện tích trồng sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.Trong đó, diện tích trồng sâm tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum khoảng 20.000ha, tỉnh Lai Châu khoảng 2.500ha và một số tỉnh khác khoảng 1.500ha.
1.000 DOANH NGHIỆP NÔNG NGHIỆP MỚI RA ĐỜI TỪ DỰ ÁN KHỞI NGHIỆP XANH
Đến nay, thông qua cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo Khởi nghiệp xanh đã có gần 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời.Đáng chủ ý, thông qua Dự án Khởi nghiệp xanh có những bạn trẻ khởi nghiệp đã vươn lên, lớn mạnh không ngừng, hoàn thiện sản phẩm một cách ấn tượng, về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm. Trong đó, nhiều người đã đưa sản phẩm nông sản Việt đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới, từ Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước EU…Từ sự hỗ trợ trên của dự án Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã phát triển, lớn mạnh không ngừng, xây dựng được những tiêu chuẩn như: HACCP, ISO, FDA, OCOP… Đặc biệt, không ít doanh nghiệp khởi nghiệp đã đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao từ 2020 – 2022.
HUYỆN TÂN UYÊN ĐỊNH HƯỚNG TRỞ THÀNH THỦ PHỦ CÂY DỔI CỦA LAI CHÂU
Cây dổi là cây đa mục đích, giá trị kinh tế cao, vừa lấy gỗ vừa có khả năng phòng hộ, chống xói mòn, tăng cường khả năng giữ nước, bảo vệ đất... Hứa hẹn là cây thoát nghèo làm giàu cho người dân nên huyện Tân Uyên, Lai Châu đã tích cực vận động người dân trồng và mở rộng diện tích cây dổi. Đến nay toàn huyện đã triển khai trồng dổi ước đạt khoảng 520ha.Thực tế cho thấy, cây dổi từ khi được đưa vào trồng trên diện tích đất đồi của huyện Tân Uyên đã và đang phát triển tốt, tỷ lệ cây sống tương đối cao. Được sự khuyến khích của Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải, Huyện Tân Uyên đang phấn đấu trở thành thủ phủ của loại cây gỗ quý này.
Việt Nam mới tự chủ được 20 - 30% giống thủy sản nước lạnh
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Việt Nam, nhận định, hiện Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất các giống cá nước lạnh. Tuy nhiên, năng lực sản xuất con giống mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu của thị trường nên vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu. Để có thể đáp ứng được nhu cầu đó, đến năm 2030, sản xuất giống cần phải tăng từ 2 - 3 lần so với hiện tại lên ngưỡng 5 - 6 triệu con giống. Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu trong chiến lược ngành thủy sản là đến năm 2030, sản lượng cá nước lạnh nuôi đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng trong nước và một số được xuất khẩu. Sản phẩm trứng cá nước lạnh đạt từ 5 - 10 tấn/năm, giá trị xuất khẩu đạt 20 - 25 triệu USD.