Tối thiểu chi phí đo đạc trong canh tác lúa giảm phát thải. Lợi nhuận nhân đôi nhờ canh tác lúa thông minh. Gần 150ha lúa đông xuân ở Quảng Trị bị ảnh hưởng vì nhiễm mặn. Hà Tĩnh tạm dừng mở rộng diện tích nuôi nhuyễn thể.
Tối thiểu chi phí đo đạc trong canh tác lúa giảm phát thải
Thứ trưởng bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam vừa có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) về xây dựng hệ thống MRV hỗ trợ phát triển bền vữnglúa phát thải thấp.
Mặc dù có nhiều biện pháp giảm phát thải trong sản xuất như gieo xạ khô, quản lý nước, quản lý phân bón, quản lý rơm rạ, cơ giới hoá, tối ưu xử lý sau thu hoạch, giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch… tuy nhiên hiện nay, chỉ có các biện pháp quản lý nước là đang được chấp nhận để tính toán tín chỉ cacbon.
Do đó, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế đã đề xuất xây dựng hệ thống MRV, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật trong việc theo dõi, đo đạc và báo cáo hoạt động giảm phát thải trong canh tác lúa theo hướng nâng cao tính minh bạch và tối thiểu chi phí thực hiện.
Lợi nhuận nhân đôi nhờ canh tác lúa thông minh
Văn Vũ – Lê Hoàng Vũ sản xuất
Cũng trong sáng nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền và 3 đơn vị đồng hành là Sài Gòn Kim Hồng, Bayer Việt Nam, Vinarice thực hiện mô hình trình diễn quy trình Canh tác lúa thông minh phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL vụ Đông Xuân 2023-2024 với diện tích khoảng 10ha tại 2 xã Vị Trung và Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
Mô hình này là sự tiếp nối để nhân rộng tiến bộ kỹ thuật “Quy trình Canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL”. Cùng với tập huấn, đào tạo để chuyển giao quy trình canh tác lúa thông minh, thì việc xây dựng mô hình trình diễn tại các HTX, nông dân ở các vùng canh tác lớn, trọng điểm là cách để chuyển giao quy trình đến với nông dân hiệu quả hơn.
Qua đánh giá kết quả mô hình canh tác lúa thông minh giúp giảm chi phí từ 20-25% so với canh tác truyền thống, lúa cho năng suất 9,9 tấn/ha, cho lợi gần 64 triệu đồng/ha.
Gần 150 ha lúa đông xuân ở Quảng Trị bị ảnh hưởng vì nhiễm mặn
Võ Dũng
Thông tin từ UBND xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, thủy triều dâng sớm hơn những năm trước đã khiến 145 ha lúa đông xuân bị ảnh hưởng, nhiều thửa ruộng chết trắng, tập trung chủ yếu ở đội 3, 4 thuộc thôn 9 và các thôn 7,8. Trong số này có 50 ha lúa bị chết với tỷ lệ cao.
Hiện nay, người dân xã Triệu Vân đang tích cực ra đồng dặm lại diện tích bị chết. Tuy nhiên, do thiếu mạ, một số diện tích phải bỏ hoang; một số diện tích người dân đã chuyển sang trồng khoai lang và các loại rau màu.
Tình trạng xâm nhập mặn tại xã Triệu Vân đã xuất hiện từ nhiều năm qua nhưng hiện nay, chính quyền và ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân.
Hà Tĩnh tạm dừng mở rộng diện tích nuôi nhuyễn thể
Thanh Nga sx
Để đảm bảo môi trường nuôi an toàn, hạn chế dịch bệnh và đầu ra sản phẩm ổn định, năm 2024 ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh chủ trương tạm dừng mở rộng, ổn định diện tích vùng nuôi nhuyễn thể theo quy hoạch; chú trọng đưa các giống nhuyễn thể có lợi thế vùng miền như ngao Bến Tre, hàu Thái Bình Dương vào nuôi trồng.
Theo thống kê, năm 2023, diện tích nuôi nhuyễn thể toàn tỉnh đạt 422 ha, chiếm 15,2% diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ, với các đối tượng nuôi chính gồm: ngao, hàu, vẹm, ốc hương. Sản lượng nuôi đạt hơn 3.500 tấn, tăng 4% so với kế hoạch; tập trung ở các bãi triều của huyện Lộc Hà, Thạch Hà và Cẩm Xuyên. Hiện nay bà con đang xử lý môi trường, củng cố các vùng nuôi để chuẩn bị thả giống vào đầu tháng 4 theo đúng lịch thời vụ.