40.000 hộ dân và 20.000ha lúa vùng ĐBSCL ảnh hưởng do hạn mặn. Hậu Giang đóng cống khi mặn vượt mức 2‰. Bình Phước thực hiện ‘nền tảng 4 tốt’ mời gọi doanh nghiệp châu Âu. Huyện thứ 2 ở Tây Nguyên công bố bản đồ nông hóa thổ nhưỡng.
40.000 hộ dân và 20.000ha lúa vùng ĐBSCL ảnh hưởng do hạn mặn
Minh Đảm
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hôm nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã kiểm tra công tác ứng phó với hạn mặn mùa khô năm 2023-2024 tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.
Qua kiểm tra, Thứ trưởng đánh giá các tỉnh ĐBSCL đã có kinh nghiệm, chỉ đạo rất sát với dự báo và chuẩn bị kế hoạch ứng phó từ rất sớm, không để bị đọng bất ngờ. Toàn bộ diện tích lúa đông xuân của vùng khoảng 1,5 triệu ha đã được xuống giống trước 1 tháng, đến nay đã thu hoạch hơn 600.000ha, số còn lại cơ bản không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, qua rà soát, vẫn còn có khoảng 20.000ha bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, chủ yếu tại hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và diện tích này nằm ngoài vùng khuyến cáo. Bên cạnh đó, do bà con xuống giống hơi muộn.
Qua rà soát, toàn vùng có khoảng 30.000 hộ dân bị ảnh hưởng nước sinh hoạt, trong đó ảnh hưởng đến từ các nhà máy nước tập trung. Ngoài ra, còn khoảng 10.000 hộ nhỏ lẻ, phân tán đang bị ảnh hưởng nước sinh hoạt.
Hậu Giang đóng cống khi mặn vượt mức 2‰
Thực hiện: Trung Chánh - Văn Vũ
Tại tỉnh Hậu Giang, theo báo cáo của cơ quan chuyên môn thành phố Vị Thanh, kết quả đo độ mặn tại điểm chính là Kênh Lầu từ ngày 4 – 3 đến nay dao động từ 4,3 – 5,9‰.
Toàn thành phố có 120 cống hở và cống ngầm. Hiện tại, những khu vực nào có nồng độ mặn vượt mức 2‰ thì ngành chức năng vận hành đóng cống, nhằm ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Đến thời điểm này, thành phố Vị Thanh chưa ghị nhận tình hình thiệt hại do xâm hập mặn gây ra cho người dân.
Bình Phước thực hiện ‘nền tảng 4 tốt’ mời gọi doanh nghiệp châu Âu
(Minh Sáng sx)
Tại Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại và nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - Bình Phước 2024 diễn ra chiều ngày 12/3, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết: Bình Phước đang thực hiện phương châm “nền tảng 4 tốt” (Đó là hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt). Qua đó, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các doanh nghiệp Châu Âu tại có uy tín và tiềm lực tài chính, công nghệ.
Theo ông Gabor Fulit, Chủ tịch EuroCham kiêm Tổng giám đốc De Heus châu Á, Bình Phước có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam, Campuchia và khu vực. Với nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, Bình Phước mang đến những cơ hội đầu tư hấp dẫn vào các dự án phát triển nông nghiệp, cây trồng có giá trị cao, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm, sản xuất quy mô lớn.
“Trong tương lai, Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) hứa hẹn sẽ là bước phát triển tích cực cho Bình Phước. Với việc cắt giảm gần 99% thuế quan trong thập kỷ tới, Bình Phước có vị thế thuận lợi để hưởng lợi từ việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của EU”, ông Gabor Fouit khẳng định.
Huyện thứ 2 ở Tây Nguyên công bố bản đồ nông hóa thổ nhưỡng
Minh Quý
UBND huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) vừa công bố “kết quả xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2030”.
Huyện Cư M’gar có tổng diện tích tự nhiên hơn 82.000ha, với khoảng 71.000ha đất nông nghiệp. Trong thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu đã lấy nhiều mẫu đất ở các xã, thị trấn để phân tích, đánh giá chất lượng.
Kết quả phân tích, đánh giá trên địa bàn huyện Cư M’gar có 4 nhóm đất chính, gồm: đất đỏ vàng, đất xám, đất đen và đất thung lũng.
Việc xây dựng được bản đồ nông hóa thổ nhưỡng là căn cứ quan trọng để huyện Cư M’gar xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển cây trồng phù hợp cho từng vùng, từng địa phương đảm bảo tính bền vững.