Mặn xâm nhập sớm với nồng độ cao khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đối mặt với nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ lúa hè thu.
Thấp thỏm nỗi lo thiếu nước sản xuất vụ lúa hè thu vì mặn xâm nhập
Mặn xâm nhập sớm với nồng độ cao khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đối mặt với nguy cơ thiếu nước sản xuất vụ lúa hè thu.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã kết thúc vụ sản xuất lúa đông xuân và bắt đầu bước vào vụ hè thu. Người dân địa phương đang đồng loạt cày ải để chuẩn bị gieo sạ. Thế nhưng, thời gian qua, nước mặn xâm nhập sâu vào các trạm bơm khiến nhu cầu về nước tưới cho hàng ngàn héc ta lúa đang gặp nhiều khó khăn.
Từ cuối tháng 4 đến nay, nước mặn xâm nhập vào các sông Thu Bồn, Vĩnh Điện ở huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn với nồng độ cao, vượt ngưỡng cho phép từ 20 đến 30 lần nên nhiều trạm bơm buộc phải dừng hoạt động. Trong khi lịch thời vụ từ 20/5 sẽ bắt đầu xuống giống hè thu.
Nếu nhu cầu nước tưới không thể đáp ứng, bà con nông dân nhiều nơi buộc phải dời lịch gieo sạ so với dự kiến để chờ giải pháp khắc phục thậm chí phải chuyển đổi qua các loại cây trồng cạn khác.
Ông Lê Trung Nam, Giám đốc HTX Duy Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam
Đúng là không có năm nào như năm này, mới cắt nước vụ đông xuân thì cuối tháng 4 đã bị xâm nhập mặn lên trạm bơm 19/5 mà chúng ta đang đứng ở đây rồi. Độ mặn rất cao, từ 10 – 16 phần nghìn, cao gấp 20- 30 lần so với độ mặn cho phép để bơm. Dự kiến sắp tới ngày 20 sẽ sạ theo lịch của tỉnh. Tuy nhiên vì nguồn nước của trạm bơm 19/5 của Duy Phước như sáng nay đo là 9 phần nghìn, như vậy vượt mức cho phép khoảng gần 20 lần, rất khó cho việc đổ ải, bơm tưới cho vụ hè thu. Như vậy, Duy Phước chúng tôi cũng như huyện thống nhất không phải sạ ngày 20/5 mà chuyển qua ngày 25/5 để đảm bảo nguồn nước cho việc gieo sạ.
Vụ hè thu 2023, huyện Duy Xuyên dự kiến sản xuất khoảng 3.400ha lúa. Thế nhưng tính đến thời điểm này, toàn huyện có đến gần 1.000ha lúa bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp địa phương đã chỉ đạo các xã và người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống hạn mặn hàng năm đã được ban hành. Cùng với đó, chính quyền huyện cũng khảo sát các vị trí mặn xâm nhập để xây dựng các phương án ứng phó như đắp đập ngăn mặn, nạo vét luồng lạch dẫn nước về các trạm bơm.
Ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam
Về kiến nghị đối với tỉnh, giải pháp để tạo nguồn nước đảm bảo phục vụ nước tưới cho hàng loạt các trạm bơm điện trên địa bàn huyện thì đề nghị tỉnh phải có cơ chế vận hành liên hồ các hồ thủy điện để tăng cường nước về hạ du, đảm bảo nguồn nước ngọt, độ ngọt cần thiết phục vụ tưới tiêu cho diện tích lúa mà các trạm bơm phục vụ.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, hiện nay lượng nước ở nhiều hồ chứa thủy lợi đang thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, ngành nông nghiệp đã phối hợp với địa phương chỉ đạo các đơn vị quản lý công trình thủy lợi tổ chức cấp nước tiết kiệm ngay từ đầu vụ, tránh lãng phí nguồn nước.
Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam
Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn trên các hạ lưu sông của tỉnh thì UBND tỉnh đã chỉ đạo TP Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn tổ chức đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sống Vĩnh Điện và sông Bàn Thạch. Đối với sông Bà Rén, hiện nay, công ty thủy lợi Quảng Nam đang tổ chức hoàn thiện hồ sơ thực hiện việc đắp đập. Như vậy, khi 3 tuyến đập này được đắp hoàn thành, vấn đề ngăn mặn, giữ ngọt cho các trạm bơm hoạt động cơ bản ổn định. Ngoài ra, nguồn nước nhiễm mặn này còn ảnh hưởng 1 số lớn các trạm bơm tại thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên. Để ứng phó, biện pháp phi công trình là Sở sẽ tham mưu tỉnh phối hợp với Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng tính toán cân đối nguồn nước còn lại tại các hồ chứa thủy điện, để điều chỉnh kế hoạch vận hành cho phù hợp nhằm mục đích khống chế mặn xâm nhập sâu, đảm bảo nguồn nước ngọt, thực hiện bơm lách triều nhằm cung cấp nước phục vụ sản xuất.
Với tình hình thời tiết dự báo tại tỉnh Quảng Nam sẽ có nắng nóng kéo dài và nền nhiệt cao trong thời gian tới, thì việc thực hiện các phương án phòng chống mặn xâm nhập là vô cùng cấp bách. Tất cả nhằm mục tiêu đáp ứng đủ nước ngọt cho diện tích lúa dự kiến sẽ sản xuất ở các địa phương trong thời điểm lịch thời vụ đang chuẩn bị bắt đầu.