| Hotline: 0983.970.780

Gần 2.000ha lúa nguy cơ mất mùa vì xâm nhập mặn

Thứ Hai 27/03/2023 , 07:05 (GMT+7)

QUẢNG NAM Công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt chậm thi công khiến hàng ngàn ha lúa đông xuân đứng trước nguy cơ mất mùa do thiếu nước ngọt để tưới và bị mặn xâm nhập...

Đến hẹn lại lên, cứ bước vào giữa vụ đông xuân, khoảng 1.855ha lúa của các xã, phường vùng Đông thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) và các khu vực TP Hội An và TP Đà Nẵng lại đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng và thiệt hại do mặn xâm nhập. Để khắc phục tình trạng này, hằng năm, ngành chức năng thị xã Điện Bàn luôn phải duy trì giải pháp đắp đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện, đoạn qua phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) để “cứu” lúa.

Empty

Hàng ngàn ha lúa của người dân đứng trước nguy cơ thiệt hại vì tình trạng xâm nhập mặn. Ảnh: Lê Khánh.

Vậy nhưng năm nay, nguồn cát phục vụ thi công các công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khan hiếm nên đến thời điểm này, công trình đập ngăn mặn vẫn chưa thể triển khai. Trong khi đó, độ mặn trên sông Vĩnh Điện đang lên cao, có thời điểm đạt mức 6,5 phần nghìn. Cùng với thời tiết nắng nóng liên tục khiến hàng ngàn ha lúa của người dân đang trong thời kỳ làm đòng đứng trước nguy cơ thiếu nước, mất mùa.

Ông Lê Xí (trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) cho biết, vụ đông xuân năm nay, gia đình ông có hơn 2 sào lúa phụ thuộc nước hoàn toàn vào hệ thống thủy lợi của địa phương. Những ngày gần đây, việc cấp nước cho diện tích lúa của gia đình ông cũng như bà con xung quanh rất thất thường. Lúa đang trong giai đoạn phát triển, dự kiến đến đầu tháng 4 sẽ trổ nhưng tình hình xâm nhập mặn như hiện nay khiến ai cũng vô cùng lo lắng.

“Nhà tôi ở ngay chỗ đập ngăn mặn, mọi năm tầm này đập ngăn mặn đã được đắp xong nên nước tưới đầy đủ, nhưng không hiểu sao năm nay đến giờ đã giữa tháng 3 mà vẫn chưa thi công. Trong giai đoạn quyết định đến năng suất mà cây lúa không có đủ nước ngọt để bơm tưới thì chắc chắn sẽ mất mùa. Nếu ngành chức năng không sớm có giải pháp xử lý thì tiền của, công sức của người dân chúng tôi trong vụ đông xuân này dễ mất trắng”, ông Xí lo lắng.

Empty

Công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện đến nay vẫn chưa thể triển khai. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, suốt gần 1 tháng qua, do đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện chưa được đắp nên đơn vị đã chỉ đạo các trạm bơm thực hiện nhiều biện pháp nhằm có nước ngọt bơm tưới cho các cánh đồng lúa trên địa bàn, trong đó chủ yếu là bơm lách triều để lấy nước ngọt.

“Anh em tại các trạm bơm phải túc trực đo độ mặn, canh thủy triều lên xuống cả ngày lẫn đêm, khi nào có ngọt là tổ chức tranh thủ bơm, kể cả những giờ cao điểm. Khi thủy triều lên, mặn xâm nhập thì các trạm bơm dừng hoạt động. Thời gian tới, nếu không đắp đập ngăn mặn thì hàng ngàn ha lúa của bà con chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở vụ hè thu. Lúc đó, đơn vị chúng tôi cũng sẽ không dám ký hợp đồng bơm tưới cho những diện tích này”, ông Tùng nói.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, cũng như các năm trước, năm nay Thị xã cũng đã lên phương án xây dựng đập ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện ở vị trí cũ. Dự án có tổng vốn đầu tư 3 tỷ đồng với vật liệu là cát, cây bạch đàn, tre và nguồn cát đắp cho đập trên 8.000m3 . Tuy nhiên, qua 2 lần mở thầu vào ngày 16/2 và 14/3 vẫn không có đơn vị nào tham dự gói thi công công trình này.

Empty

Lúa đông xuân đang giai đoạn rất cần nước, nhưng kênh mương, ruộng đồng vẫn khô cong. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho hay, nguồn vật liệu để đắp đập ngăn mặn chủ yếu là cát. Những lần mở thầu vừa qua không có đơn vị nào tham gia bởi nguồn cát trên địa bàn hiện đang rất bị động, giá cát cao, các đơn vị không thể chủ động nguồn cát. Trong khi đó, việc thực hiện thi công đập ngăn mặn chỉ trong vòng 15 ngày, nhưng với nguồn cát lớn như vậy nên không có nơi nào đáp ứng đủ.

Trước tình hình này, UBND thị xã Điện Bàn cũng đưa ra nhiều phương án để xin ý kiến của UBND tỉnh Quảng Nam. Trong đó có phương án chọn điểm đã được quy hoạch trên sông Thu Bồn thuộc địa bàn Thị xã (tại điểm mỏ ĐB2B) và đang triển khai đăng tải thông tin kế hoạch đấu thầu, hoặc chọn những điểm cát bồi lắng sau đợt lũ vừa qua. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh lại cho rằng việc này về thủ tục thực hiện rất phức tạp.

“Thị xã Điện Bàn đã trình UBND tỉnh Quảng Nam về phương án lấy nguồn cát từ việc nạo vét sông Cổ Cò. Phương án này đã được thống nhất chủ trương, UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Ban quản lý các công trình giao thông tỉnh làm việc với thị xã Điện Bàn.

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng của Thị xã làm việc với 2 đơn vị này về mặt vị trí, giá cả để điều chỉnh hồ sơ đăng ký thầu, sớm trình thẩm định, phê duyệt, tổ chức lựa chọn nhà thầu lại, khẩn trương tổ chức thi công công trình. Phải quyết tâm đắp đập ngăn mặn vì nếu mặn xâm nhập ngày càng nghiêm trọng thì nguy cơ lúa bị thiệt hại do hạn mặn là rất cao”, ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho hay.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.