| Hotline: 0983.970.780

Xâm nhập mặn khốc liệt, hàng ngàn ha lúa nguy cơ ngừng sản xuất

Thứ Ba 16/05/2023 , 14:04 (GMT+7)

QUẢNG NAM Mặn xâm nhập với nồng độ cao gấp hơn 20 lần mức cho phép khiến công tác cấp nước phục vụ sản xuất lúa hè thu gặp vô vàn khó khăn.

Chuẩn bị bước vào vụ hè thu nhưng nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nguy cơ thiếu nước tưới. Ảnh: Lê Khánh.

Chuẩn bị bước vào vụ hè thu nhưng nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nguy cơ thiếu nước tưới. Ảnh: Lê Khánh.

Đến thời điểm này, Quảng Nam đã kết thúc vụ đông xuân và đang chuẩn bị cho vụ lúa hè thu. Theo lịch thời vụ của tỉnh này đưa ra, trong vài ngày tới, các địa phương trên địa bàn bắt đầu đồng loạt xuống giống.

Tuy nhiên, nhiều huyện, thị xã của tỉnh đang 'đau đầu' về nguồn nước tưới phục vụ sản xuất khi nước mặn xâm nhập sâu vào các trạm bơm.

Mấy ngày qua, hầu như ngày nào ông Lê Trung Nam, Giám đốc HTX Duy Phước (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cũng ra các trạm bơm để kiểm tra nồng độ mặn trên sông Thu Bồn. Đây là khu vực lấy nước chủ yếu phục vụ bơm tưới cho khoảng 500ha lúa mà đơn vị này quản lý. Thế nhưng, nồng độ mặn vẫn không có chiều hướng suy giảm mà tiếp tục tăng cao, có thời điểm lên đến 9‰.

Theo ông Nam, hiện nay, người dân trên địa bàn đang tiến hành cày ải, chuẩn bị đưa nước vào gieo sạ. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến cả vụ sản xuất khi lượng nước cần thiết chiếm đến 1/3 nhu cầu trong 1 chu kỳ sinh trưởng của cây lúa. Để đảm bảo cho cây lúa nảy mầm thì nồng độ mặn cho phép tối đa chỉ khoảng 0,4.

Vậy nhưng, tại trạm bơm 19/5 trên sông Thu Bồn, nồng độ mặn đã cao gấp hơn 20 lần mức cho phép nên những ngày qua trạm bơm này không thể hoạt động để đưa nước vào. Trong khi đó, thời điểm gieo sạ đang tới gần khiến người nông dân vô cùng lo lắng.

Nguy cơ cao, địa phương sẽ phải kéo dài lịch thời vụ dẫn đến tiềm ẩn rủi ro gặp mưa bão vào thời điểm cuối năm.

Mặn xâm nhập sớm với nồng độ cao vào các điểm lấy nước tưới cho vụ hè thu. Ảnh: Lê Khánh.

Mặn xâm nhập sớm với nồng độ cao vào các điểm lấy nước tưới cho vụ hè thu. Ảnh: Lê Khánh.

“Bình thường các năm trước, sau khi đã gieo sạ thì mặn mới xâm nhập nhưng năm nay mặn xâm nhập từ rất sớm, ngay từ cuối vụ đông xuân. Hiện nay, chúng tôi đã cày ải được khoảng 90% diện tích. Diện tích còn lại đang phải chờ xem tình hình nước tưới như thế nào.

Tại nhiều vùng, chúng tôi đang tính đến phương án có sản xuất hay không chứ không phải là chống hạn như mọi năm nữa. Nếu không có đủ nước, khả năng phải chuyển đổi qua các loại cây trồng khác”, ông Nam chia sẻ.

Trong vụ hè thu năm nay, toàn huyện Duy Xuyên dự kiến sản xuất khoảng 3.400ha lúa, trong đó có đến gần 1.000ha bị ảnh hưởng bởi hiện tượng xâm nhập mặn. Ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, trước tình hình bất lợi gây khó khăn cho vụ sản xuất, huyện đã họp bàn chỉ đạo quyết liệt, đề nghị các địa phương sử dụng các phương án phòng chống hạn, nhiễm mặn hàng năm đã được huyện ban hành.

“Chúng tôi cũng đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ thực hiện các giải pháp nhằm tạo nguồn nước bơm tưới cho các trạm bơm. Trong đó có phương án, cơ chế vận hành liên hồ chứa thủy điện đầu nguồn tăng cường xả nước về hạ du, đảm bảo nguồn nước ngọt cần thiết phục vụ tưới tiêu cho diện tích lúa bị ảnh hưởng trên địa bàn”, ông Phúc nói.

Tương tự huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn cũng là địa phương có nhiều diện tích sản xuất lúa bị ảnh hưởng do mặn xâm nhập trong vụ hè thu. Theo ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, thời gian vừa qua, mặn xâm nhập sâu vào các vị trí lấy nước trên sông Vĩnh Điện khiến nhu cầu nước tưới cho gần 2.000ha lúa của địa phương gặp khó khăn.

Trước tình hình này, thị xã Điện Bàn đã tiến hành đắp đập ngăn mặn tại một số vị trí trên tuyến sông. Cùng với đó, thị xã cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam có giải pháp tăng cường xả nước thủy điện để đẩy mặn, kết hợp với bơm lách triều nhằm cung cấp đủ nước đổ ải cho diện tích lúa nói trên.

Nhiều trạm bơm phải ngừng hoạt động nhiều ngày qua vì không có nước mặn để bơm tưới. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều trạm bơm phải ngừng hoạt động nhiều ngày qua vì không có nước mặn để bơm tưới. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay: Năm nay tình hình nhiễm mặn xuất hiện tương đối sớm với nồng độ cao. Để ứng phó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam tổ chức đắp đập ngăn mặn giữ ngọt trên các sông Vĩnh Điện, Bàn Thạch, Bà Rén.

Sở NN-PTNT cũng yêu cầu các địa phương tổ chức ra quân, huy động người dân thực hiện nạo vét kênh mương, sửa chữa các công trình thủy lợi nhỏ, đào ao trữ nước, đóng giếng, lắp trạm bơm dã chiến, thu giữ nguồn nước quy hồi, đắp bờ giữ nước, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất.

"Sở NN-PTNT Quảng Nam sẽ tham mưu tỉnh phối hợp với Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng tính toán cân đối nguồn nước còn lại tại các hồ chứa thủy điện để điều chỉnh kế hoạch vận hành phù hợp. Mục đích là khống chế hiện tượng mặn xâm nhập sâu, đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất", ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam thông tin.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Giảm chi phí, tăng năng suất nhờ ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ

Sóc Trăng Hơn 291.000 nông dân ĐBSCL đã ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ, giúp bà con đưa ra quyết định canh tác phù hợp, giảm rủi ro, tăng năng suất, cải thiện thu nhập.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.